Người Việt khắp nơi

Ngày lễ Tình nhân và chuyện tình Việt - Triều

Cập nhật lúc 14-02-2018 09:43:28 (GMT+1)
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Lý Vĩnh Hỷ nghỉ ngơi khi đi dạo quanh hồ Thành Công, Hà Nội.

 

Bà Lý Vĩnh Hỷ, người Bắc Hàn lần đầu gặp chồng tương lai của mình là ông Phạm Ngọc Cảnh vào năm 1967 khi ông Cảnh, hồi đó 18 tuổi và là sinh viên ngành hóa học đi thực tập tại nhà máy phân đạm Hưng Nam.


Họ yêu nhau và gặp lại vào năm 1971 nhưng cả hai chỉ có thể tiến tới hôn nhân vào năm 2002. Chuyện tình của họ sau 30 năm xa cách trở nên rất nổi tiếng tại Việt Nam.

Bà Lý trở thành nữ công dân duy nhất của Bắc Hàn được các nhà lãnh đạo đất nước cho phép kết hôn với một người đàn ông Việt Nam.

Bà Lý Vĩnh Hỷ và ông Phạm Ngọc Cảnh khi còn trẻ

Trao đổi với phóng viên BBC tại nhà riêng ở Hà Nội trước ngày lễ tình nhân Valentine năm 2018, bà Lý có chia sẻ cảm nghĩ của mình về Việt Nam:

"Cuộc sống nơi đây diễn ra theo kiểu cách Việt Nam, bởi vì đơn giản đây là Việt Nam. Nếu như sống tại một quốc gia khác thì bạn cần phải tuân theo quy tắc của quốc gia đó. Không có "quy tắc Triều Tiên" nào ở đây cả, tôi phải sống cho bản thân vì tôi là người Bắc Hàn duy nhất ở đây."

Kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, bà Lý đã học được một ít tiếng Việt, đủ để bà mua sắm và giao tiếp với người thân của nhà chồng.

Bà Lý Vĩnh Hỷ và ông Phạm Ngọc Cảnh tại căn hộ ở Hà nội của họ tháng 2 năm 2018

Bà tâm sự với BBC bằng tiếng Triều Tiên:

"Cho đến bây giờ, tôi đã biết nói chuyện đơn giản với các bà cùng lứa tuổi trong khu nhà nhưng vẫn khó bởi vì tôi không thành thạo tiếng Việt. Tôi thực sự nhớ đất nước của mình và muốn trở lại. Nhưng tôi không thể chồng mình ở lại đây được."

Phóng viên BBC thăm nhà riêng của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Lý Vĩnh Hỷ trong tuần truyền hình Việt Nam đưa tin về thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc.

Đây cũng là một dịp hiếm gặp khi các vận động viên và ban nhạc Bắc Hàn biểu diễn trực tiếp trên sân khấu quốc tế và các màn trình diễn của họ được phát sóng trên toàn Châu Á.

Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Lý Vĩnh Hỷ giờ đây sống tại phố Thành Công, Hà Nội

Từ khi rời quê hương Hamhung, bà Lý mới quay trở lại Bắc Hàn được hai lần. Vì thế đây cũng là dịp đặc biệt để bà có cơ hội lắng nghe và xem các ban nhạc Bắc Hàn biểu diễn qua truyền hình Việt Nam.

"Kể từ khi tới đây, tôi thực sự cảm động mỗi lần được nghe Arirang (nhạc dân gian Triều Tiên). Nó gợi nhắc tôi về quê hương. Trái tim tôi đau lịm khi thấy Arirang được trình diễn tại Thế vận hội qua sóng truyền hình Việt Nam."

Câu chuyện tình vượt qua hàngchục năm chờ đợi

Ông Cảnh ngay lập tức có cảm tình với bà Lý Vĩnh Hỷ khi mới chỉ nhìn thoáng thấy bà qua cửa phòng thí nghiệm ở nhà máy và mong ước rằng một ngày nào đó, bà trở thành vợ của ông,

Tuy vậy, khi ông Cảnh trở về Hà Nội vào năm 1973, họ không thể gặp được nhau vì công dân Bắc Hàn không được phép du lịch nước ngoài hoặc có liên lạc với người ngoại quốc.

Trong 30 năm tiếp theo, tất cả những việc ông Cảnh có thể làm là viết thư cho bà. Trong đó, một vài bức thư được viết nhờ một phiên dịch viên và không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Đám cưới của cả hai tại Hà Nội, tháng 12 năm 2002: Bà Lý mặc áo Hanbok truyền thống và không có bất cứ người thân trong gia đình đến dự

Trong một vài lần đến thăm Bắc Hàn với tư cách người phiên dịch, ông liên tục hỏi về bà nhưng nhận được thông tin rằng bà đã kết hôn hoặc bà đã qua đời. Nhưng ông không hề mất niềm tin.

Cuối cùng, với sự can thiệp của các lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sang Bình Nhưỡng vào năm 2001, chính quyền Bắc Hàn cho phép bà Lý Vĩnh Hỷ được phép rời quê nhà đến Việt Nam kết hôn với người yêu bà.

Họ tổ chức đám cưới đơn giản tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2002. Tại đám cưới, bà Lý, lúc này đã 55 tuổi, mặc trang phục Hanbok truyền thống và không có bất cứ người thân nào đám dự. Còn ông Cảnh có mời một số người bạn và người thân trong gia đình đến dự.

Kể từ đó, họ trải qua những năm tháng hạnh phúc tại Hà Nội. Bà Lý kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Hàn Quốc.

Ông Phạm Ngọc Cảnh giờ đây đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực và từng nổi tiếng nhờ các hoạt động thể thao ở cương vị CLB mô-tô xe đạp Hà Nội.

Cuộc sống của bà Lý tại Hà Nội có lẽ tốt hơn tại Bắc Hàn, nhưng cũng còn lâu mới được coi là sung túc.

Hai ông bà sống trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội.

Một nửa căn hộ được cho thuê để thêm vào lương hưu hàng tháng khá khiêm tốn của ông Cảnh là khoảng 4 triệu đồng, theo một tờ báo Việt Nam.

Tuy nhiên, cả hai vẫn sống rất hạnh phúc và tình yêu của họ dành cho nhau là không hề đổi thay, vẫn như ngày đầu hai người gặp nhau.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo