Người Việt khắp nơi

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (9)

Cập nhật lúc 01-07-2016 15:26:36 (GMT+1)

 

Khác biệt giữa thợ cắt tóc nam tại tiệm Barber và thợ cắt tóc cả nam lẫn nữ tại Salo

Trong nghề tóc, những người thợ nào học lấy bằng Cosmetologist (Thẩm mỹ toàn phần, phải học 1,600 giờ) thì sẽ được phép cắt tóc cho cả nam và nữ, facial (chăm sóc da) và nail (chăm sóc tay chân), những người thợ này được gọi là Hairstylist, sẽ làm trong các tiệm beauty salon. Còn những người thợ học và lấy bằng Barber (phải học 1,500 giờ), chỉ chuyên cắt tóc cho nam giới và cạo râu mặt, râu mép, những người thợ này được gọi là Barber, làm trong các tiệm barber chuyên cắt tóc, cắt tỉa râu và cạo râu chuyên cắt tóc cho nam giới và tập trung vào những kiểu tóc truyền thống từ ngắn đến dài, từ Pompadour, Undercut, Buzz cut, Faux hawk đến những kiểu slickback, quiff và pompadour… 


> Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (8)

Nếu Hairstylist là những người cung cấp dịch vụ làm đẹp cho cả nam và nữ với những dịch vụ đa dạng và phong phú hơn như tạo kiểu, trang điểm, chăm sóc da mặt và làm móng... Thì những người thợ barber lành nghề, chỉ chuyên cắt tóc nam, nên các barber chủ yếu sử dụng tông đơ để cắt tóc phần xung quanh đầu với kỹ thuật đẩy tông đơ vô cùng điêu luyện. Tông đơ là một thứ kéo có hai hàng răng sắc bén kẹp chặt lấy nhau và dùng để cắt tóc, có thể cắt sát da đầu và cũng có thể xén ở xa chân tóc được. Cắt tóc nam bằng tông đơ, thì độ thẳng, chuẩn và chính xác cao hơn kéo. Cắt tóc bằng tông đơ tạo những mảng tóc sắc cạnh, gọn gàng, giúp tóc trông dày hơn, tạo cho mái tóc trông sắc sảo hơn, góc cạnh hơn, mạnh mẽ và nam tính hơn. 

Có hai loại tông-đơ, một loại lớn xén tóc cứng và dùng lúc đầu mới hớt, một loại nhỏ để xén chỗ tóc mềm và thường dùng để sửa lại mái tóc cho phẳng phiu, đều đặn. Sau khi xong phần tóc xung quanh đầu, thợ barber dùng kéo để chỉnh sửa và cắt tỉa phần tóc trên đỉnh đầu, rồi dùng dao cạo tạo ra sự sắc nét cho mỗi kiểu tóc. Tuy nhiên, người thợ barber nào dùng dao cạo để xén tóc tạo sắc nét cho kiểu tóc mà không dùng tông-đơ là một cách hớt tóc của những thợ barber giỏi, nhiều kinh nghiệm và khéo tay mới làm được.

Yêu cầu của một thợ barber cần có

Theo chị Thi Nguyễn (Hằng Nguyễn) từng theo học barber tại trường Moler Barber College của người Mỹ làm chủ trường, tại Sacramento, cả hai vợ chồng chị hiện là chủ tiệm chuyên về hớt tóc nam Franks Baber Shop ngay tại Sacramento, cho rằng khác với người thợ học Cosmetologist cắt được cả tóc nam và tóc nữ, thì một người thợ barber chỉ chuyên cắt tóc nam, nhưng được phép sử dụng dao cạo, còn những người thợ Hairstylist (học lấy bằng thẩm mỹ toàn phần Cosmetologist) thì không được dùng dao cạo. 
Để sử dụng được dao cạo, người thợ barber ngoài học trong trường, chịu khó luyện tập thường xuyên trong thời gian học để thành thạo, khi đi làm, cũng phải học nghề thêm, thường xuyên thực hành thì mới quen tay. Người thợ barber được quyền dùng dao cạo để cạo mặt, cạo trọc đầu trẻ em và người lớn. Nếu cầm dao mà không khéo thì không thể cạo tóc, cạo mặt cho khách được ngọt, mát và êm dịu. Phải luyện tay nghề lâu thì sẽ cạo được xuôi hay ngược, lối cạo ngược là lối rất khó lúc cạo một tay lấy ngón tay mà vuốt cho căng da ra, còn một tay thì cạo ngược rất nhẹ nhàng. Những nơi phải lưu ý đặc biệt khi cạo là cạnh tai, trong vành tai, môi trên… 
Chị Thi Nguyễn kể hồi mới qua Mỹ định cư thập niên 1990, ban đầu được mấy chị gái trong gia đình đã qua trước làm thợ nail kêu đi học nail để nhanh kiếm được tiền, chị đã làm nail gồm chân tay nước và móng bột kéo dài khoảng 4 năm, vì thấy làm nail, các hóa chất nồng quá, không hợp với sức khỏe của mình, nên chị chuyển sang học barber vào năm 1999, thay vì học Cosmetologist.  

Vì nếu học Cosmetologist, sau này sẽ làm trong tiệm salon, sẽ có luôn cắt tóc nữ, thì lại tiếp tục đụng các hóa chất như thuốc nhuộm, thuốc uốn tóc…mà chị lại không muốn đụng đến hóa chất. Những người học barber, không được làm nail và facial như những người học Cosmetologist, thành ra dù chị đã có bằng nail rồi, chị không được bù giờ học, mà phải học đủ 1500 giờ trong 10 tháng.

Sau khi thi đậu lấy bằng, chị may mắn được bà giáo trong trường giới thiệu vào làm tại một tiệm Barber của ông chủ người Mỹ có 28 năm kinh nghiệm, nhờ chị chịu khó học hỏi, siêng năng, nên ông chủ và một người thợ trong tiệm có 18 năm kinh nghiệm đã tận tình chỉ dạy cho chị. 

Chị Thi Nguyễn cho biết trước khi chị và chồng mua lại được tiệm barber (từ năm 2008 đến nay) của ông chủ người Mỹ trắng nghỉ hưu, chị đã trãi qua làm công tại 3 tiệm barber khác nhau với chủ người Mỹ trắng, Đại Hàn, Mễ Tây Cơ. Cả 3 tiệm chị từng làm công cùng với tiệm hiện nay vợ chồng chị làm chủ thì chỉ có nhận cắt tóc nam thôi, không có ghế gội đầu cho khách, riêng về cạo râu cho khách bằng dao cạo cũng không còn làm, ngay từ hồi chị mới có bằng State Board làm ở tiệm đầu tiên, ông chủ tiệm đã bỏ nghề cạo râu lâu rồi. Khách đến tiệm chỉ thuần cắt tóc thôi. 

Lâu lâu có người vào cắt tóc, muốn cạo từ nửa mang tai đi xuống ót, thì chị mới cạo cho khách. Nhưng ít khách yêu cầu cạo lắm. Hiện nay khách vào tiệm của vợ chồng chị, nếu muốn cạo râu, thì sẽ dùng dao cạo bằng điện (loại dùng tại nhà) để cạo cho khách. Cả 4 tiệm chị làm không có nhuộm tóc, uốn tóc cho khách. Theo luật, thì những tiệm barber ngoài cắt tóc nam, vẫn có thể nhuộm tóc, uốn tóc cho nam giới, nhưng tùy theo chủ tiệm barber có cộng thêm dịch vụ này vào tiệm của mình hay không.Vì học bằng barber và đi thi lấy bằng State Board có luôn cả phần nhuộm tóc, uốn tóc.

Chị Thi Nguyễn cho biết cũng giống như người thợ Hairstylist, người thợ Barber khi đi làm, phải tự sắm đồ nghề cho mình chứ không được chủ cung cấp. Chủ chỉ cung cấp cho thợ khăn choàng để cắt tóc, khăn giấy để khách lau mặt. Nếu thợ tóc Hairstylist làm công cho chủ bấy lâu này theo luật bất thành văn, thường được trả lương 6-4 (Thợ 6, chủ 4) thì bên barber, thợ được chủ trả lương ăn chia 7- 3 (thợ 7, chủ 3), tiền Tip thì thợ được giữ.

Anh Richard Giàu gội đầu cho khách trước khi cắt tóc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Yêu cầu của một thợ cắt tóc cho cả nam và nữ

Anh Richard Giàu là một thợ tóc có kinh nghiệm 28 năm, anh có 6 năm làm ăn chia với chủ và 22 năm nay anh thuê ghế (station) tại tiệm ở thành phố Westminster. Anh nói hồi đầu khi mới qua Mỹ, anh được chị gái khuyên học nghề tóc, nên anh đã đi học lấy bằng barber vào năm 1988 tại một trường của chủ người Mỹ ngay tại thành phố Anaheim (nay trường này đã không còn). Anh cũng đã từng làm trong tiệm barber chuyên hớt nhanh, gọn, không gội đầu, chỉ dùng tông đơ ủi tóc rất nhanh, không cần đẹp, chỉ cần gọn gàng thôi, không gội sấy, không xịt keo, không vuốt gel, mà chỉ lấy máy sấy, sấy tóc con phủi đi. Anh từng làm tại một tiệm như vậy, nhưng thấy nếu làm vậy suốt đời, chỉ cần cắt đơn giản hoài thì hư tay nghề, nên anh nghỉ. Anh đã ghi danh học tại trường Tâms (là trường ABC sau này) để lấy bằng Cosmetologist, để có thể vào làm trong các tiệm beauty salon để vừa cắt, nhuộm, uốn cho tóc nữ thay vì chỉ thuần túy hớt tóc nam thôi. Do đã có bằng barber rồi, nên anh chỉ cần học thêm 400 giờ nữa (có thêm phần nail) rồi đi thi lấy bằng State Board. 

Theo anh Richard Giàu, chương trình học Barber và Cosmetologist có khoảng 90 phần trăm là giống nhau. Một bên thì có nail và facial (bằng Cosmetologist), một bên thì có phần cạo mặt mà không làm nail (bằng barber). Dù người thợ tóc đó có bằng barber hay bằng Cosmetologist thì cũng đều cần có đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mỉ, học hỏi không ngừng. 

Bằng kinh nghiệm của 28 năm trong nghề, anh Richard Giàu cho rằng nghề tóc là một nghề vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật tạo hình rất cao. Vì việc cắt tóc đòi hỏi người thợ phải có độ chính xác đến từng milimet trên đường cắt, phải khắc họa lên tác phẩm nghệ thuật của mình là mái tóc của khách những đường cong hay đường thẳng sắc cạnh tỉ mỉ, tinh tế. 

Kết hợp với những mảng màu được phối với nhau một cách hài hòa trong quá trình nhuộm tóc cho khách với phương pháp pha màu chẳng khác gì một họa sĩ vẽ tranh. Con mắt của người thợ phải là con mắt tinh tế của người họa sĩ để nhìn được độ mờ, độ bóng của tóc. Tay lược của người thợ phải vững vàng, lược đi đến đâu, tay kéo phải theo đến đấy mới không bị giật, bị vấp.

Trong lúc hoàn tất việc gội đầu kết hợp, xoa, vuốt, bấm (huyệt) trên đầu, vùng cổ cho khách, anh Richard Giàu vừa tay kéo tay lược kết hợp một cách linh hoạt, uyển chuyển và nhịp nhàng cắt tóc cho khách, vừa làm, anh vừa nói, “Với những người khách mới, khi khách vừa bước vào, người thợ tóc phải để ý tóc của khách loại gì, tóc dầu hay tóc khô, tóc mỏng hay quăn, dày, tóc có nhuộm màu hay chưa nhuộm, tóc có bị thương tổn hay khỏe, đang là kiểu tóc gì. 

“Khi tóc khách dài, khách muốn cắt ngắn, mình hỏi khách muốn cắt kiểu gì. Ngay lập tức trong đầu mình phải có sẵn hàng trăm kiểu khác nhau, khi khách nói kiểu họ thích, mình phải cố vấn cho khách biết họ hợp với tóc kiểu này, dáng cao thấp ra sao thì hợp kiểu kia để khoe được cổ, hay khuôn mặt tròn cắt ra sao, khuôn mặt thon, dài cắt sao cho hợp… Mình phải nhìn ngay khi tóc khô ra sao, lúc tóc ướt như thế nào. 

“Khi khách muốn nhuộm màu tóc, hay uốn tóc, phải xem kỹ da đầu của khách có bị trầy, hay ghẻ lở gì không. Nếu có thì đây là da đầu dễ dị ứng, tôi sẽ từ chối nhuộm hay uốn tóc cho khách. mình phải nhìn kiểu tóc của khách đang chải kiểu gì, khi tóc khách dài, khách muốn cắt ngắn, mình hỏi khách muốn cắt kiểu gì. 

“Ngay lập tức torng đầu mình phải có sẵn hàng trăm kiểu khác nhau, khi khách nói kiểu họ thích, mình phải cố vấn cho khách biết họ hợp với tóc kiểu này, dáng cao thấp ra sao thì hợp kiểu này khoe được cổ, vóc dáng… Theo tôi để có được những kinh nghiệm trên, người thợ đó phải có ít nhất từ 3 đến 5 năm làm nghề sau khi có bằng, để nghề dạy nghề, và phải thật yêu thích, thật khéo tay, luôn chịu khó học hỏi , không được tự ái khi bị chê cắt xấu. 

“Mới ra nghề thì không thể cắt đẹp ngay được, dù người đó có khéo tay. Làm lâu năm rồi, nhưng tôi vẫn luôn học hỏi, thường đi các hair show để học những sản phẩm mới, xem tạp chí những kiểu tóc mới. Luôn tìm tòi chọn nhiều loại sản phẩm khác nhau tốt nhất để dùng cho khách và khi làm, tôi luôn cho khách biết đang dùng sản phẩm gì, chỉ cách cho khách tự chăm sóc cho tóc khi về lại nhà.”

Anh tự hào nói, “Suốt 28 năm qua, tôi có rất nhiều khách quen, đủ sắc dân, Mỹ trắng, người Mexican, Đại Hàn, Nhật, Lào, Cambodia… nhưng nhiều nhất vẫn là khách người Việt. Có người khi tôi cắt cho họ lúc họ còn thanh niên, theo thời gian họ lập gia đình, có 3, 4 con, sau đó tôi tiếp tục cắt cho con của họ, đến khi con họ lập gia đình, dẫn cháu đến cắt tóc với tôi. 

“Tôi có niềm vui là, khi người khách quen bước vào tiệm, tôi nhớ được tên khách, biết khách thích cái gì. Tôi dùng khả năng của tôi làm đẹp cho khách, còn họ đã giúp tôi nuôi sống gia đình, một vợ và 4 con. Các con tôi đều học lên đại học thành tài, đây là niềm vui lớn nhất khi tôi gắn bó với nghề này. Tôi rất cám ơn những người khách của mình, tôi luôn xem họ là người thân trong gia đình, luôn chăm sóc tận tình để khách quay lại với mình lần sau.”
(còn tiếp)

Nguồn: Băng Huyền/ viendongdaily.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo