Người Việt khắp nơi

Người dìu dắt các chủ nhà hàng Việt ở New York qua đời vì virus

Cập nhật lúc 10-06-2020 12:19:31 (GMT+1)
Bà Nguyễn Ánh Tuyết (phải), chụp ảnh với Timothy Tran của nhà hàng Di An Di. Ảnh: Timonthy Tran.

 

Nguyễn Ánh Tuyết không phải một bếp trưởng, cũng không mở nhà hàng. Nhưng bà lại được nhớ đến như là một “người mẹ”, người dìu dắt các chủ nhà hàng Việt ở New York.


Bà được ca ngợi là cầu nối xuyên thế hệ giữa người Mỹ gốc Việt cũng như người Việt nhập cư ở New York với nhau, và với văn hóa Mỹ, theo bài viết trên trang Grub Street, trang blog về ẩm thực của tạp chí New York Magazine.

Ngày 7/4, cộng đồng người Việt ở New York mất đi một người mà họ kính trọng, khi bà Ánh Tuyết qua đời ở tuổi 64 vì Covid-19.

“Đối với cộng đồng Việt ở New York, có thể nói cô Ánh Tuyết là một trong những người dìu dắt nổi bật cho cộng đồng chúng tôi”, Helen Nguyễn, chủ quán Saigon Social ở khu Lower East Side, nói với Grub Street. “Tôi cảm thấy không có chủ nhà hàng Việt hay chủ tiệm Việt nào mà cô không biết hay không có mối quan hệ tốt”.

Sự mất mát của người Việt ở New York

Bà sinh ngày 29/2/1956 ở ngoại ô Sài Gòn. Sau chiến tranh, gia đình bà sang định cư ở San Antonio, bang Texas khi bà 19 tuổi. Nhưng bà phải chuyển sang bang Wisconsin vì một người nhập cư đe dọa gia đình bà, sau khi bà từ chối cưới ông ta.

Năm 1981, bà gặp chồng mình, Robert Pollock, ở bang Minnesota do làm cùng công ty, và họ chuyển tới New York năm 1999 sau khi ông được thăng chức. Sau đó, bà nghỉ hưu và tham gia hoạt động ở một số tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa, nghệ thuật.

Hai vợ chồng bà dành thời gian sống cả ở bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, ở khu Tribeca, phía nam Manhattan, New York và Hồ Tahoe (giữa các bang California và Nevada). Chính ở Hồ Tahoe, bà Ánh Tuyết đổ bệnh. Ban đầu, bà không được nhập viện, và bệnh viện nói ở nhà an toàn hơn, cháu trai John Nguyễn nói với Grub Street.

“Chị ấy có một số triệu chứng, ho và mệt, nhưng chị vẫn đi lại và vẫn bận rộn nhiều việc xã hội”, em trai Corbin Nguyễn nói với Grub Street. “Chị tưởng mình đã khỏe hơn và được xét nghiệm, vào khoảng một tuần trước khi qua đời. Chỉ sau một đêm, chị ấy khó thở, sức khỏe đột nhiên xấu đi”.

Bà chỉ được nhập viện sau khi ngừng thở, được chở bằng trực thăng từ Hồ Tahoe đến Reno, cháu trai John nói tiếp.

“Cô có các cháu trai, cháu gái mà cô rất mực yêu quý và luôn chăm lo cho”, John nói một cách nghẹn ngào với Grub Street.

Người dìu dắt, kết nối cộng đồng Việt

Nhiều người trong cộng đồng người Việt ở New York kể về bà Ánh Tuyết là một người quan tâm nhiều đến cuộc sống của họ, và luôn giúp đỡ, theo Grub Street.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết (phải), chụp ảnh với Timothy Tran của nhà hàng Di An Di. Ảnh: Timonthy Tran.

Bà cho họ các hướng dẫn thiết yếu trong kinh doanh, trong nấu ăn, và luôn dành thời gian gặp gỡ họ khi bà đến New York. Bà giúp họ kết nối với nhau thông qua các sự kiện mà bà tổ chức hay các bữa tối ở nhà. Bà muốn thấy cộng đồng Việt Nam ở New York thành công.

“Tôi cảm thấy một phần của mình đã mất đi”, Timothy Tran, quản lý nhà hàng Di An Di ở khu Greenpoint, Brooklyn, nói với Grub Sttreet. “Khi cô gặp tôi, cô hỏi mục đích của tôi ở New York là gì, và tôi nói mình muốn xây dựng cộng đồng Việt ở New York, như cuối cùng có một V-town của người Việt”.

Nhu Ton là một người mà bà Ánh Tuyết đã giúp đỡ nhiều. Họ gặp nhau 5 năm trước khi một người bạn mời Nhu Ton đến tiệc sinh nhật của bà Ánh Tuyết. Bà Ánh Tuyết đưa cô đi bảo tàng, giới thiệu thêm một số bạn người Mỹ, giới thiệu cô các nhà hàng, món ăn mới - những điều mà Nhu Ton khó có đủ tiền vào thời điểm đó. Giờ đây, Ton đồng sở hữu nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều ở Bronx cùng cháu trai John của bà Ánh Tuyết, cũng nhờ khoản vay 10.000 USD mà vợ chồng bà dành cho cô.

“Cô Ánh Tuyết giúp tôi hiểu về kinh doanh nhà hàng”, Ton nói với Grub Street. “Tôi sẽ không trở thành con người hôm nay nếu không có cô”.

“Mỗi khi tôi nghĩ về cô A.T. (tên thường gọi của bà Ánh Tuyết), tôi nghĩ về cách mà cô luôn động viên người trẻ. Cô luôn kết nối mọi người, không bao giờ đánh giá một ai”, Nguyễn Chí Mỹ, chủ hai tiệm ăn nhanh Vietspot ở khu Tribeca và Khu phố Tài chính, nói với Grub Street. “Cô ấy chấp nhận mọi người, để mọi người là chính mình, nhưng hướng họ theo hướng tốt hơn”.

“Tôi còn mơ về cô, cô đang làm những gì mình thích làm, như khiêu vũ hay mời mọi người tới ăn”, chị Mỹ nói thêm. “Và tôi nghĩ tôi sẽ làm những gì mà cô đã làm cho tôi, cho những người khác cần giúp đỡ và có khát khao học hỏi, phát triển bản thân”.

“Tôi cảm thấy cô Ánh Tuyết là người mẹ của cộng đồng người Việt ở New York - cứ kết nối mọi người với nhau”, Matt Le-Khac, người mới mở tiệm Bolero ở khu Williamsburg chỉ một tháng trước phong tỏa, cho biết thêm.

Anh từng là đầu bếp ở tiệm Ăn Chơi ở khu Lower East Side, Manhattan khi gặp bà Ánh Tuyết. Họ biết nhau khi bà đề nghị tổ chức một buổi chiếu phim tại nhà hàng của anh.

“Cô còn như người mẹ mới của tôi vì tôi gặp cô vài năm sau khi mẹ tôi mất”, Le-Khac nói.

Nguồn: Trọng Thuấn/ Zing.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo