Người Việt khắp nơi

Người Việt trời Âu - những ghi chép vụn vặt

Cập nhật lúc 03-01-2017 08:02:51 (GMT+1)
Lâu đài Neuschwanstein ở Đức. Ảnh: P.M.N

 

Đầu tháng 12-2016, tôi khởi hành một chuyến đi dài hơn ba tuần lần lượt đến Cộng hòa Czech, Áo và Đức. Đích đến không phải là ngẫu nhiên lựa chọn. Bạn bè, người thân, vài người đang sống ở những nước này.


Trên đường bay quá cảnh từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đến Praha, thủ đô Cộng hòa Czech, tôi ngồi cạnh một chàng sinh viên Czech. Sau khi biết mình là người Việt, chàng trai chia sẻ rằng người Việt ở Czech rất nhiều, cần mẫn làm những công việc mà người Czech lười không muốn làm như mở hàng ăn, quầy thực phẩm và tạp hóa hay làm móng tay... Máy bay hạ cánh, làm xong thủ tục hải quan, bước ra ngoài sảnh đợi taxi, lập tức được đón chào bởi tiết trời đông lạnh buốt, cắt da cắt thịt. Bên đường, những hàng cây trụi lá, thảm cỏ úa vàng được ướp một lớp băng giá mỏng trắng toát. Mới 3, 4 giờ chiều mà trời đã xẩm tối, trên đường không mấy bóng người, chỉ lác đác một vài chiếc xe chạy.

Dọc đường loanh quanh đi tìm hàng đổi tiền, quả là thấy khá nhiều quầy tạp hóa, hàng ăn, và tiệm làm móng với những khuôn mặt châu Á mà dường như là người Việt. Vào đại một cửa hàng tạp hóa bên đường, hỏi mua một chai nước lọc bằng tiếng Anh với cô nhân viên bán hàng da vàng tóc đen đang bắc thang xếp đồ lên giá, được cô trả lời một cái giá cũng bằng tiếng Anh, mà sau này mới biết là đắt gấp 4 lần giá mua trong siêu thị.

Sau hai hôm đi “tua” trong và ngoài Praha, anh bạn cùng lớp phổ thông đã ngót nghét hai chục năm không gặp tay bắt mặt mừng đến đón về nơi làm việc của mình là văn phòng dịch vụ tài chính và tư vấn tại chợ Sapa. Nơi này, theo anh bạn, vốn là một nhà máy chế biến thịt của Czech nhưng bị phá sản sau “Cách mạng nhung”, được người Việt mua lại, tổ chức thành một cái chợ khá lớn, lấy tên là chợ Sapa. Bầu không khí nơi đây là một góc thu nhỏ của Việt Nam, với người Việt khắp nơi, cặm cụi bán hàng, bốc dỡ đồ, í ới gọi nhau. Lác đác đây đó một vài “ông Tây”, người thì xì xụp bên bát phở trong quán bên này đường, người thì đẩy xe mua hàng trong siêu thị ở bên kia đường, tạo ra một liên tưởng như họ đang đi du lịch trên đất Việt Nam. Cửa hàng cửa hiệu toàn tiếng Việt. Văng vẳng đây đó những giai điệu nhạc “vàng”, nhạc “đỏ” và tiếng nói của MC trên các chương trình truyền hình VTV phát ra từ các quán cắt tóc, gội đầu và quán ăn.

Mừng cho bạn và cũng mong cho người Việt thế hệ thứ hai có được nhiều người thành công không chỉ về tài chính mà còn về học vấn và hòa nhập tốt với xã hội bản địa.

Giờ ăn trưa, vợ chồng anh bạn đãi phở Hà Nội, khá ngon, có lẽ vì lâu lâu mới được ăn bát phở tử tế, đúng vị. Có chuyện đáng nhớ hơn là cảnh một phụ nữ trung niên xách một mẹt bánh rán vào quán rao bán. Mới thấy thêm rằng người Việt không nề hà bất cứ công việc gì, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ trên đất người.

Anh bạn kể rằng đôi khi ở chợ Sapa cũng bị cảnh sát Czech bố ráp, nội bất xuất, ngoại bất nhập để kiểm tra việc trốn thuế của các chủ hàng người Việt trong chợ. Người Việt làm ăn nhỏ, thường chỉ có lãi nhờ trốn thuế, khai thấp thuế nên cũng không thể tránh khỏi là đối tượng nghi vấn của cảnh sát Czech.

Tạm biệt Praha, theo xe của một người anh thân thiết cũng đã hai chục năm không gặp đến nơi anh ở - Brno, một thành phố nhỏ của Czech cách Praha 200 ki lô mét về phía Đông Nam. Anh có lẽ cũng là một trong những trường hợp điển hình của người Việt bươn chải và trụ lại được ở Czech nói riêng và Đông Âu nói chung sau nhiều biến cố xảy ra với bản thân và gia đình. Đặt chân đến Czech ban đầu bằng visa du lịch, tìm cách ở lại, khởi nghiệp bằng nhiều công việc ở nhiều địa phương như bán quần áo, mở hàng ăn, và cuối cùng trụ lại với một vài cửa hàng thực phẩm và tạp hóa nhỏ. Dù không tham gia một khóa học tiếng nào nhưng anh cũng nỗ lực tìm nhiều cách và nhiều cơ hội để học tiếng Czech, một thứ tiếng mà theo nhiều người còn khó về phát âm và phức tạp về ngữ pháp hơn cả những thứ tiếng khó như Nga và Pháp, để rồi cũng đủ vốn liếng ngôn ngữ mà làm ăn và xin được quốc tịch Czech.

Vợ anh bụng mang dạ chửa sang Czech qua một đường dây đưa người lậu qua Nga, bị tắc lại ở một nơi nào đó ngoài biên giới Czech, trễ đến gần hai ngày so với ngày hẹn làm anh kiên nhẫn ngồi đợi ở điểm tập kết mà gần như phát điên, chút nữa thì rút súng gí vào đầu người liên lạc chỉ để bắt hắn khai thật rằng vợ anh đã chết hay vẫn còn sống sót. Dồn nén đến nỗi khi đã gặp và trên đường chở vợ về nơi ở, anh phải dừng ô tô lại giữa đường, ngồi ôm vợ và cả hai cùng khóc nghẹn ngào vì đã vượt qua hiểm nguy để vợ chồng đoàn tụ.

Hai đứa con anh sinh ra trên đất Czech, mang quốc tịch Czech, được học hành đầy đủ, nói tiếng Việt không được sõi, cũng giống như bao đứa trẻ con người Việt trên đất khách khác. Có lúc trong những bữa ăn có người Czech, chúng tỏ vẻ xấu hổ vì anh nói tiếng Czech không chuẩn. Anh buộc phải nói lại với chúng rằng thứ tiếng Czech không chuẩn đó của bố chúng đã nuôi chúng ăn học nên người. Bọn trẻ biết lỗi, nói vớt vát rằng tiếng Czech của bố chúng vẫn là tốt nhất trong số những người Việt chúng biết. Quả thật, có không ít người như bạn làm ăn của anh đã lưu lạc qua nhiều nước, từ Slovakia, qua Đức, vào trại tị nạn, ở đó rồi lại “bật” về Czech, trải qua hơn hai chục năm làm ăn xứ người mà hầu như không nói được thứ tiếng nào, chưa kể đến thứ tiếng phổ thông hơn là tiếng Anh. Cũng chính vì lý do này mà có nhiều người Việt mở các công ty và sống khỏe nhờ làm dịch vụ, từ phiên dịch, tư vấn thủ tục, giấy tờ cho người Việt.

Sau mấy ngày ở Áo không có nhiều chuyện đáng nói vì không gặp người Việt, điểm đặt chân kế tiếp là Hamburg, một thành phố cảng sầm uất phía Bắc của Đức. Tôi được một anh bạn hồi học phổ thông của vợ đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Anh bạn này là chủ của một vài tiệm ăn bán đồ châu Á khá thành công nên cuộc sống rất dễ chịu. Anh chở đi chơi một vòng quanh Hamburg, qua Berlin rồi đi Postdam, thăm một anh bạn khác cũng là chủ một tiệm ăn châu Á rất đắt khách, với lợi nhuận “khủng”, tương đương hàng chục tỉ đồng một năm. Anh bạn sống ở Hamburg nói vui rằng sushi là món ăn của người Việt vì hầu như quán nào của người Việt cũng bán sushi do người Việt làm, trong khi quán Nhật khá hiếm hoi ở đất Đức.

Tuy vậy, cả hai anh bạn đều chia sẻ rằng có đến hơn phân nửa người Việt ở Đức rất vất vả, cực nhọc để kiếm ăn, làm từ nghề giúp việc đến chạy bàn, sang đây nhờ kết hôn giả, bỏ bê con cái, không thể chăm sóc được. Bản thân các anh bạn này cũng đã từng trải qua nhiều nghề kể từ khi Đức thống nhất, như buôn thuốc lá lậu, quần áo, và cuối cùng mới trụ lại và thành công với nghề nhà hàng. Nghe kể lại cảnh người Việt ăn mặc như phi công, với chân phải lót giấy báo, quấn nylon rồi đi ủng lông, cả ngày đứng bán thuốc lá lậu trên giải phân cách giữa hai làn đường trong trời đông băng giá mà rùng mình vì sức chịu đựng của con người.

Tiếp tục hành trình xuống Dresden thăm một anh bạn khác đã không gặp lại kể từ khi tốt nghiệp cấp 3. Anh bạn này “cắm chốt” ở Dresden đã gần ba chục năm, bắt đầu từ trường học nghề, đương đầu với biến cố thống nhất nước Đức bằng nghề bán thuốc lá lậu, lấy vợ rồi làm việc cho hãng, nhưng cuối cùng cũng trụ lại và khấm khá nhờ mở quán sushi. Anh tâm sự rất thật lòng rằng tuy đã ở Đức lâu, mang quốc tịch Đức nhưng cuộc sống của anh khá buồn tẻ, quanh năm suốt tháng không dứt ra được công việc ở quán nên bạn người Đức có mấy người thì cũng rơi rụng dần vì không có điểm chung. Nhưng anh rất tự hào vì cô con gái xinh đẹp, học giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc nên được cấp học bổng nghiên cứu bậc tiến sĩ nghiên cứu về pin điện thoại di động, ngoài tiếng Đức, tiếng Anh cũng làu làu.

Mừng cho bạn và cũng mong cho người Việt thế hệ thứ hai có được nhiều người thành công không chỉ về tài chính mà còn về học vấn và hòa nhập tốt với xã hội bản địa như con gái anh.

Nguồn: Phan Minh Ngọc/ thesaigontimes.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo