Người Việt khắp nơi

Những cựu chiến binh kiều bào và ký ức thời hoa lửa

Cập nhật lúc 29-07-2020 04:16:17 (GMT+1)
Ông Nguyễn Quang Vinh và cuốn hồi ký của mình bên dòng sông Thạch Hãn

 

Trong tháng 7 rực lửa, những giai điệu của ca khúc “Màu hoa đỏ” (thơ: Nguyễn Đức Mậu – nhạc: Thuận Yến) vang lên bất giác khiến lòng ta lắng dịu và khắc khoải. Tháng 7 lại về, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng.


“Có người lính mùa Thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa Thu ấy, ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo…”

Trong tháng 7 rực lửa, những giai điệu của ca khúc “Màu hoa đỏ” (thơ: Nguyễn Đức Mậu – nhạc: Thuận Yến) vang lên bất giác khiến lòng ta lắng dịu và khắc khoải. Tháng 7 lại về, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng.

KÝ ỨC THỜI HOA LỬA CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH KIỀU BÀO

Dân tộc Việt Nam đã viết lên những bản hùng ca bất diệt và bi tráng trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ. Độc lập của đất nước hôm nay đã phải đánh đổi bằng máu xương, tuổi xuân của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống. Rất nhiều người đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ hay hòa mình trong sóng nước quê hương, nhường lại sự sống cho những người đồng chí, anh em từng vào sinh ra tử trên từng chiến hào, mặt trận. Để rồi trong thẳm sâu tâm can, đáy lòng của những người may mắn bước ra từ khói lửa chiến tranh, được trở về với gia đình, quê hương, bản xứ vẫn còn đó biết bao khắc khoải, nghẹn ngào. Để rồi trong hành trang cuộc đời của họ vẫn luôn mang theo những ký ức về một thời hoa lửa, dù họ đang sinh sống trên đất mẹ Việt Nam hay đang ở nơi viễn xứ. Nhưng dù ở đâu thì những người lính năm nào vẫn luôn tự hào khi được gọi với cái tên “người lính cụ Hồ” hay những người cựu chiến binh trong thời bình.

Một ngày Hè tháng 7 đỏ lửa bên dòng sông Thạch Hãn, cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh trở lại nơi mình đã từng chiến đấu trong 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Lặn lội từ CHLB Đức trở về thăm lại chiến trường xưa sau 45 năm xa cách, hành trang mà ông mang theo còn có một cuốn sách rất đặc biệt mang tên “Quảng Trị 1972, hồi ức của một người lính”. Sau sự hy sinh của người bạn thân cùng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông Nguyễn Quang Vinh - một cựu chiến sỹ của Trung đoàn 48 anh hùng - đã có lời thề sẽ viết một cuốn hồi ký để ghi lại những ký ức chân thực về chiến tranh và tri ân những người đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. 45 năm sau, nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè, người chiến sỹ ấy, nay đã là bác sĩ châm cứu tại CHLB Đức, đã quyết định mang những trang hồi ký đó đến với công chúng và xuất bản cuốn sách mà mình đã ấp ủ hàng chục năm trời.

Lặng nhìn dòng sông hiền hòa lững lờ trôi, ký ức về những ngày tháng rực lửa năm nào lại dội về trong ông. Người thương binh hạng 2/4 giờ tóc đã điểm bạc, bất giác lật giở từng trang sách, những dòng chữ như suối nguồn ký ức tuôn trào, những ký ức hào hùng nhưng day dứt và đẫm lệ: “Dòng sông mênh mông đen ngòm, bầu trời cũng đen ngòm vô tận. Còn cách bờ khoảng 30 mét thì bất chợt đất trời rực sáng, hàng chục quả hải châu địch bắn lên, soi sáng từng lá cây ngọn cỏ. Một trận mưa đạn trục xuống đoàn người đang lóp ngóp bơi trên dòng sông, hàng trăm quả đạn pháo bắn cấp tập. Mặt nước sôi lên sùng sục, lại thêm hàng tràng đại liên và đạn DKZ bắn thẳng từ chiếc cầu sắt, đạn kêu chíu chíu, mảnh bay vù vù. Nước sông lập tức bị nhuộm đỏ bằng máu của hàng chục chiến sỹ bị chết và bị thương. Họ chết vì đạn xuyên, mảnh chém, vì sức ép bị thủng phao, sặc nước. Ôi những chàng trai trẻ của khu Hai Bà và Hoàn Kiếm, Hà Nội, họ chết khi còn quá trẻ, nhiều người chưa một lần biết yêu. Tiếng gọi cuối cùng trên môi là tiếng gọi “mẹ ơi”, trước khi chìm vào bóng đêm vĩnh cửu. Nhưng chẳng có người mẹ nào có thể cứu được con mình trong cơn bão lửa trên dòng sông Thạch Hãn ấy. Có thể có thần giao cách cảm, họ khẽ giật mình, có biết đâu trong giờ phút đó, máu của những đứa con của họ đã thấm đỏ một khúc sông rồi!” (“Quảng Trị 1972, hồi ức của một người lính” – tác giả Nguyễn Quang Vinh). Một lần nữa trước dòng sông lịch sử, dòng sông bi tráng, người cựu chiến binh trở về thăm lại chiến trường xưa đã bật khóc nghẹn ngào, những giọt nước mắt thấm đẫm cả những trang sách, trước anh linh những người đồng đội mãi mãi tuổi 20.

“Hồi đó chúng tôi trẻ lắm. Chúng tôi ra đi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, không sợ khó khăn, hy sinh, gian khổ. Cũng có những giây phút những người lính chúng tôi ngồi bên nhau trước khi tập kích, nói vui rằng biết đâu đến sáng mai thôi âm dương đã cách biệt, lúc đấy cũng thoáng sợ chứ, vì ai cũng nghĩ đến gia đình và người thân của mình. Nhưng khi lao ra chiến trường, đạn bay, súng nổ, mọi nỗi sợ hãi đều tan biến và chỉ còn một lòng chiến đấu. Còn tại sao đến mấy chục năm vẫn trăn trở? Vì đó là món nợ của tôi với những người đồng đội của mình, vì họ đã hy sinh để cho tôi được sống và nhiều người nữa được sống. Đó là món nợ mà mình mãi trăn trở là khi nào trả cho được…” - ông Vinh bồi hồi chia sẻ khi nhắc tới thời thanh xuân sôi nổi nơi chiến trường Quảng Trị khốc liệt.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, biết bao đồng đội của ông Vinh vẫn còn nằm lại dưới lòng sông sâu lạnh lẽo và gần 1,2 triệu liệt sỹ vẫn nằm lại trong lòng đất mẹ, nhưng họ đã, đang và sẽ luôn sống mãi trong ký ức và sự tri ân của gia đình, đồng đội và Tổ quốc Việt Nam.

CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM TẠI NHIỀU QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam một nhà, non sông một dải cũng là lúc hàng trăm nghìn binh sĩ, quân nhân Việt Nam đi đến đoạn đường cuối cùng của cuộc chiến; họ cũng là những người may mắn khi được trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương, để bước sang một “chương mới” của cuộc đời.

Với nhiều lý do khác nhau, nhiều người đã lựa chọn sang nước ngoài học tập, lao động, lập nghiệp. Đến nay chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu cựu chiến binh, thương binh người Việt Nam tại nước ngoài, nhưng với việc thành lập các Hội Cựu Chiến binh, Câu lạc bộ Cựu Chiến binh Việt Nam tại nước ngoài đã cho thấy con số này là không nhỏ. Đông đảo nhất vẫn là những hội và câu lạc bộ cựu chiến binh tại một số nước Đông Âu, nơi các hội đoàn người Việt phát triển mạnh mẽ như: Đức, Séc, Ba Lan, Ucraina hay LB Nga…

Hàng năm vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ Việt Nam 27/7 hay Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, những người lính năm xưa lại cùng nhau tụ họp, ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa, hát vang những bài ca hừng hực khí thế ra trận, những ca khúc ngợi ca người lính cụ Hồ và tình yêu quê hương, đất nước. Những hoạt động diễn ra ngắn ngủi nhưng lại có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với những người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường. Trong những bộ quân phục trang nghiêm với những chiếc mũ cối bộ đội, mũ tai bèo đã đi vào huyền thoại chiến tranh Việt Nam, họ được cùng nhau sống lại những năm tháng không thể nào quên, được sẻ chia tâm tình người lính.

Bên cạnh việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ theo hình thức hội đoàn, hội cựu chiến binh, tại một số nước đã có những hoạt động đặc biệt khác như: đến thăm hỏi, thắp hương tại các gia đình thương binh, liệt sỹ; tổ chức các chuyến “về nguồn” tại Việt Nam…

Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tại Lepzic, CHLB Đức kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 

Như tại CHLB Đức, hàng năm cứ đến dịp 27/7, Hội Cựu Chiến binh Berlin -Brandenburg lại ghé thăm gia đình ông Trần Xuân Cảm và gia đình bà Lê Thị Hoa để dâng nén tâm nhang tại bàn thờ các Liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những gia đình người Việt Nam ở Đức có nhiều thân nhân là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Còn tại Ba Lan, gia đình bà Lê Thị Nhạn – vợ liệt sỹ Phạm Văn Phú - cũng luôn nhận được những tình cảm ấm áp của Câu lạc bộ Cựu Chiến binh Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Được các con đón sang định cư tại Ba Lan từ nhiều năm qua, nhưng bà luôn cảm thấy được an ủi và động viên khi mỗi dịp lễ tết đều nhận được sự thăm hỏi thân tình từ những người cựu chiến binh hiện đang định cư tại Warsaw. Nhiều người trong số họ dù không cùng trực tiếp chiến đấu với chồng bà nhưng tấm lòng của những người lính lúc nào cũng nồng hậu, chân tình.

Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tại Odessa, Ucraina kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VÀ PHẨM CHẤT “NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ”

Bước qua lửa đạn chiến tranh, từ cõi chết trở về, những người lính năm xưa đã được tôi luyện ý chí, bản lĩnh, nghị lực; bởi vậy khi bước vào thời kỳ tái thiết đất nước, họ lại khoác lên mình một trọng trách mới - đó là cùng nhân dân cả nước bắt tay vào tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước trong thời bình.

Những cựu chiến binh kiều bào cũng vậy, dù sống xa Tổ quốc nhưng trách nhiệm và nỗi trăn trở với quê hương chưa bao giờ vơi trong họ. Phát huy truyền thống và phẩm chất “người lính cụ Hồ”, rất nhiều cựu chiến binh kiều bào giờ đã thành đạt tại nước ngoài, bằng trí tuệ, tâm sức của mình họ đã xây dựng sự nghiệp, có chỗ đứng vững chắc tại nước sở tại và luôn hướng về quê hương, cội nguồn.

Ông Nguyễn Quang Vinh giảng về châm cứu cho bác sĩ Đức

Trở lại với câu chuyện của ông Nguyễn Quang Vinh, kiều bào tại CHLB Đức. Năm 1973, trong một trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông bị thương nặng ở đầu và được chuyển ra miền Bắc. Sau khi hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1975, lúc này người thương binh hạng 2/4 sang Kharcov - Liên Xô du học tại Đại học Lý sinh, Hóa sinh. Sau khi tốt nghiệp Đại học vào năm 1980, ông trở về nước và công tác tại Viện Sinh vật - Viện Khoa học Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1985, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ môn Sinh hóa tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1988, ông sang Tây Đức làm Cộng tác viên khoa học theo học bổng Humboldt, sau đó lại làm giảng viên và nghiên cứu viên Hóa sinh tại Đại học Bochum, CHLB Đức. Từ năm 2007, ông là y sỹ châm cứu và giảng dạy chuyên ngành châm cứu tại Trung tâm Đông y Münster, CHLB Đức. Năm 2020, ông chính thức nghỉ hưu; nhưng với vốn kiến thức và tâm huyết của mình, ông vẫn không ngừng truyền giảng lại tri thức cho các bác sỹ người Đức và châm cứu, chữa bệnh cho những người đồng hương và cả người dân nước sở tại. Với ông Vinh, đó vừa là trách nhiệm của một lương y, vừa là đóng góp thiết thực cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Đức.

Bên cạnh những cựu chiến binh đóng góp tri thức cho cộng đồng nơi xa xứ như ông Vinh, cũng còn rất nhiều những doanh nhân thành đạt, những văn nghệ sỹ tài ba và dù trong lĩnh vực nào họ cũng phát huy bản lĩnh và tố chất của những người lính kiên trường năm xưa. Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái luôn được bà con đề cao và giáo dục các thế hệ người Việt trẻ tại nước ngoài.

“Câu lạc bộ Cựu Chiến binh tại Ba Lan chúng tôi từ ngày thành lập đến nay luôn luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và hỗ trợ bà con cộng đồng trong đời sống cũng như trong việc giáo dục con cháu bên này. Tuy nhiều người tuổi đã cao, sức đã yếu, thậm chí bệnh tật do di chứng chiến tranh để lại, nhưng chất lính xưa, tình đồng đội vẫn luôn chan chứa để cùng nhau xây dựng cuộc sống và phát triển nơi xứ người” - ông Nguyễn Thật, thương binh hạng 4/4, kiều bào tại Ba Lan chia sẻ.

Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành pháp lệnh mới thay thể pháp lệnh hiện hành nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Đây là một trong những kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm bổ sung các đối tượng như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người có công là người Việt Nam ở nước ngoài.

Tháng 1/2019 Bộ Quốc phòng đã ra Thông tư 170/2018/TT-BQP hướng dẫn một số điều của Nghị định số 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Những chủ trương, chính sách này đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ với người dân trong nước mà còn với cả kiều bào ta ở nước ngoài.

Nguồn: Mộc Lan/ quehuongonline.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo