Người Việt khắp nơi

Những mảnh đời Việt mưu sinh ở Singapore: Người Việt ở khu đèn đỏ Geylang (kỳ 1)

Cập nhật lúc 10-02-2018 17:48:38 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

Những nông dân ở các vùng quê Việt rời bỏ ruộng vườn đến Singapore với giấc mơ đổi đời, với tháng lương bằng 2 vụ lúa và nỗi nhớ gia đình da diết.


Có hàng ngàn người Việt đang ở Singapore vì cuộc sống mưu sinh. Một số ít đã thành danh, thành công trên đảo quốc này. Nhưng vẫn còn đó những người Việt đang trên hành trình kiếm kế sinh nhai ít được biết đến. Những thân phận ấy có tên cũng như không tên nhưng số phận của họ, câu chuyện của họ khiến người nghe ám ảnh...

Em thân yêu!

Đêm nay ở đây có cơn mưa nhỏ. Mưa chỉ kịp giăng như lớp bụi mờ nhìn ma mị dưới ánh đèn phố đỏ hắt hiu một xíu rồi tan. Anh đang ở khu Geylang, một khu đèn đỏ nổi tiếng của đảo quốc.

Em đừng hỏi anh vì sao ở đây nhé. Coi như em bằng lòng rồi, anh sẽ kể cho em nghe chuyện Singapore.

Chuyện những góc phố sạch sẽ, trung tâm mua sắm luôn sáng đèn chắc em đã biết. Anh sẽ kể chuyện khác, chuyện những người Việt anh gặp ở đảo quốc này. Đó là những thân phận tha hương đầy mồ hôi và nước mắt khiến anh chẳng thể nào quên và chắc em cũng sẽ ấn tượng.

Chuyện của Thạch

Người Việt đầu tiên anh gặp là thanh niên tên là Thạch. Thạch là người Yên Thành (Nghệ An), 27 tổi, làm nghề "gác đêm". Gác đêm, nghe như một người lính hay nhân viên bảo vệ trong ca trực vào ban đêm phải không em.

Nói là vậy nhưng không phải vậy. Đó là những người được các đầu nậu thuốc lá lậu thuê. Nhiệm vụ của họ là ở các khu phố đèn đỏ canh cảnh sát để cảnh giới cho những người bán thuốc lá lậu hoạt động an toàn.

 

Một góc đường ở phố Geylang khi màn đêm buông xuống. Đây là thời điểm nhiều người Việt bắt đầu làm việc.

Thạch kể đã làm việc gác đêm này 4 năm. Mỗi đêm được 10-15 đồng (Thạch gọi đô la Sing là đồng, mỗi đô Sing là gần 17.000 VNĐ), đêm nào bán được nhiều chủ cho đến 20 đồng. Cơm nước, chỗ ở chủ bao. Thạch nhận lương 2 tuần 1 lần.

Anh hỏi bao lâu Thạch về quê 1 lần, vợ con gì chưa? Anh chàng có nước da ngăm đen, và giọng Nghệ đã phai đi ít nhiều, nhưng anh vẫn còn nhận rõ, bảo là 2 năm rồi không về Việt Nam.

Vợ Thạch ở quê cùng con gái 4 tuổi. Anh hỏi xa vợ con thế có nhớ không, nếu nhớ sao chịu nổi? Thạch cười giọng chua chát miên man, nhớ lắm, nhưng chịu thôi, cuộc sống cả.

Thạch kể trước Nghệ An rừng nhiều, thành phố vẫn ít việc nên ai cũng ở quê đi rừng. Giờ cả nhà Thạch 5 anh em ai cũng ly hương. Chỉ vợ Thạch là ở với bố mẹ chồng cùng chăm con gái và vài đứa cháu nữa. 

Chúng là con các anh chị của Thạch. Cậu bảo quê khổ lắm. Nhà giờ 2 ông bà, vợ Thạch và 5 đứa con nít nhưng một ngày đi chợ không quá ba mươi, bốn mươi nghìn.

Có lẽ thoáng thấy nét cảm thông có vẻ gượng gạo của anh nên Thạch lại cười tươi trở lại, khoe gần tết đón vợ qua chơi khoảng 2-3 tuần. Anh hỏi thế sao không về nhà cho gần vợ con? Cậu ta bảo ở đây quen rồi, vui hơn, cũng dễ sống hơn.

Thạch kể thêm, mình qua được Singapore do một người anh lớn tuổi cùng quê "mai mối" công việc. Người anh đồng hương trước làm việc ở TP.HCM rồi quen Thạch. Người này sau đó đi Singapore. Thạch Thấy họ làm ăn được nên nhờ đưa sang. Sau vài tuần nhờ "cò" làm dịch vụ giấy tờ, anh ta đã "dắt" Thạch sang đây làm việc.

 

Những quán pub, bar, cafe thuộc khu đèn đỏ Geylang luôn đông du khách

Công việc của Thạch và những người như cậu ấy là cứ 7h tối phải ra ngồi gác các tuyến đường mà xe cảnh sát thường đi qua ở khu Geylang với chiếc điện thoại sẵn sàng trên tay. Chiếc điện thoại ấy mặc định sẵn một vài số, luôn luôn đầy pin, có động chỉ cần nhá máy là cả phe bán thuốc ở mấy phố gần đấy dọn hàng và chạy.

Ca nào yên ổn thì Thạch làm tới hơn 11h khuya rồi về. Ban ngày thì ngủ hoặc có việc thì chủ kêu đi phụ, chủ yếu bưng bê, bốc vác. Chủ đầu nậu của chàng trai này có 3 người gác đêm. Ông ta là người gốc Hoa sinh ra ở Quảng Ninh, tị nạn ở Hong Kong, qua Singapore được hơn 10 năm nay.

Người bạn đi cùng anh ngỏ ý muốn mua vài bao thuốc lá của Thạch, với gợi ý như kỷ niệm gặp người Việt, thêm nữa thuốc lá trong tiệm đắt quá, từ mười bảy đến đến ba mấy đồng một bao. Thạch lắc đầu bảo, mấy anh qua đây du lịch không nên mua thuốc lá lậu, "chúng nó" (chỉ cảnh sát) bắt được phạt cho đấy. Phạt nặng lắm các anh.

Thạch bảo, trừ những chiến dịch truy quét định kỳ thì cảnh sát cũng đi bắt thuốc lá lậu do sức ép từ các tiểu thương người Singapore.

 

Góc đường Geylang là khu vực nổi tiếng với nhiều hoạt động về đêm ở Singapore trong đó có mại dâm.

"Bọn em toàn buôn thuốc lá lậu, còn các hàng quán là có đóng thuế mà, cảnh sát phải chiều lòng người đóng thuế nuôi họ", Thạch nói.

Anh cũng tò mò là làm vậy thì một tháng gửi về nhà được bao nhiêu, gửi bằng cách nào? Thạch vui vẻ bảo, người Việt qua đây nhiều mà anh, với lại có nhờ dịch vụ chuyển tiền. 

Lúc trước, mới sang, phải nửa năm Thạch mới gửi tiền về nhà một lần, và tiền lương của cậu ấy gần như còn nguyên vẹn dù nó chỉ bằng phân nửa so với mức lương hiện tại. Bây giờ, người Việt đi Sing nhiều, Thạch nhờ họ cầm tiền về giúp, thường là 1-2 tháng một lần.

Cậu chàng cũng vui vẻ chia sẻ, mỗi lần gửi về dù vài triệu thôi nhưng bằng cả nhà Thạch làm nửa năm. Anh gật đầu đồng tình, ở nhiều miền quê nghèo, người ta chẳng biết làm gì để ra tiền.

"Osin" ở xứ người

Anh sẽ kể tiếp. Người Việt thứ hai mà anh gặp gây lại nhiều ấn tượng đó là chị Mai, quê ở Quảng Bình.

Chị nói trước mới qua làm giúp việc nhà cho một gia đình người Hoa buôn bán nhỏ. Công việc của chị là dọn dẹp, nấu ăn. Ở bên này gọi là maid.

Căn hộ chung cư họ thuê để ở khá nhỏ nhưng ngày ngày chị phải lau đi lau lại và ít khi nghỉ tay dù nó đã sạch bóng. Nhà chủ có gắn camera để theo dõi chị.

Một lần nhà chủ bị mất tiền, đâu nghe nói gần nghìn đô Sing (khoảng mười mấy triệu đồng), người chủ không chứng minh được chị lấy nhưng kiên quyết dẫn đến chỗ công ty dịch vụ cung ứng osin trả chị lại và nhận lại tiền.

 

Những quán ăn trên các con phố là nơi rất nhiều người Việt đã và đang mưu sinh lui tới.

Hợp đồng vỡ, chị cũng mất cả hơn 30 triệu tiền đặt cọc cho công ty. Chị nói oan ức lắm, mình không lấy, chị ngờ rằng bà chủ nhà ghen, sợ ông chủ trăng hoa với chị nên tìm cách đuổi.

Chị Mai đến Geylang xin làm phụ cho một hàng ăn. Ăn, ngủ tại một góc nhỏ gần bếp. Một cái giường xếp nhỏ, ban ngày phải gập lại để lấy lối đi, khuya lúc ngủ thì thả xuống. Cuối hành lang kế bên chiếc giường xếp đã được gập lại là một cái tủ gỗ cũ.

Đó là tất cả góc riêng tư của chị nhưng nó chỉ thực sự riêng tư sau khi chị dọn dẹp sạch sẽ, rửa hết chén bát đũa ly tách vào đêm khuya khi mắt đã gần như díp lại sau một ngày mệt nhọc.

Công việc của chị theo hợp đồng bắt đầu từ 7h sáng đến 12h khuya nhưng thực tế là chị phải làm đến khi nào quán hết khách. Chị bảo thường khoảng gần 1, 2h khuya mới xong việc.

Chị Mai kể, hồi mới ra đây làm, chị không nghe nói được gì, mỗi tháng chủ chỉ trả cho 400 đô Sing. Giờ chị đã sành việc nhất tiệm. Mới đó mà đã gần 5 năm. Mỗi tháng chị được 800 đến 900 đô Sing. Kể cả thưởng tết thì trung bình mỗi tháng chị cũng được hơn 1.000 đô Sing, hơn 2 mùa lúa ở quê chị.

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo