Người Việt khắp nơi

Những tác giả gốc Việt thành danh trên đất Pháp

Cập nhật lúc 16-07-2018 17:52:49 (GMT+1)
Giáo sư, học giả Lê Thành Khôi còn là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức lớn của thế giới.

 

Linda Lê, Lê Thành Khôi, Thuận… đều là những tác giả gốc Việt đang sống tại Pháp; nơi tài năng, học vấn của họ được khẳng định.


Dù sáng tác bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt, các tác giả như Phạm Văn Ký, Lê Thành Khôi, Linda Lê, Thuận, Anna Moi đều có những thành công, được sự đón nhận của độc giả Pháp, Việt.

Lê Thành Khôi - học giả uyên bác

Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học, ông được đào tạo căn bản từ nhỏ. Năm 1949, ông lấy bằng tiến sĩ về kinh tế học tại Paris, sau đó tốt nghiệp Học viện Luật pháp quốc tế tại Hà Lan, cử nhân văn chương tại Đại học Sorbone, học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Năm 1968, ông hoàn thành cùng lúc 2 luận án tiến sĩ về công nghệ giáo dục, văn khoa và khoa học xã hội.

Ông là một học giả uy tín, uyên bác trên nhiều lĩnh vực tại Pháp, từ kinh tế, giáo dục đến văn học, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Lê Thành Khôi giảng dạy tại nhiều Đại học, Viện Khoa học, làm nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu, và làm tư vấn cho một số tổ chức lớn của quốc tế.

Tại Việt Nam, nhiều người biết tới Lê Thành Khôi với công trình Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX. Tác phẩm là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi: Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, NXB Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, NXB Sud-Est Asie, Paris, 1982).

Công trình từ lâu đã được coi như sách tham khảo căn bản khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được coi như kiệt tác sử học này được xuất bản bằng tiếng Việt.

Một nhóm các giáo sư, học giả, chuyên gia người Việt, Pháp, Nhật, Canada, Mỹ có nghiên cứu về Việt Nam, vốn là những người đã chịu ảnh hưởng của giáo sư Lê Thành Khôi, đã cùng thực hiện cuốn Từ Đông sang Tây để tỏ lòng biết ơn với vị Giáo sư uyên bác.

Phạm Văn Ký có tiểu thuyết đạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp

Phạm Văn Ký đạt giải thưởng Viện hàn lâm Pháp năm 1961.

Phạm Văn Ký sinh ngày 10/7/1910 tại Bình Định, Việt Nam,  mất ngày 27/4/1992 tại Pháp.

Sinh ra trong một gia đình 13 người con, có nhiều tài liệu khác nhau nói về thuở nhỏ của Phạm Văn Ký. Năm 1936, ông được trao giải "Premier prix de Poésie aux Jeux Floraux d'Indochine" cho một tập thơ viết bằng tiếng Pháp.

Ông cũng là người đầu tiên viết lời giới thiệu cho tập thơ Gái Quê của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ông từng làm biên tập viên cho vài tờ báo tiếng Pháp ở Bình Định, Huế, Sài Gòn, sau đó sang Pháp học ở đại học Sorbonne, nhưng không bao giờ hoàn thành được học vị của mình vì Chiến tranh thế giới thứ II.

Từ năm 1938, Phạm Văn Ký sống tại Paris. Ông có 3 tác phẩm viết bằng tiếng Việt gồm: Kiếm hoa (tiểu thuyết), Con đường thiên lý số 1 (tiểu thuyết, chưa xuất bản), Đường về nước (thơ).

Ông có 14 cuốn sách viết bằng tiếng Pháp gồm các tập thơ và tiểu thuyết. Trong đó có tiểu thuyết Frères de sang (Paris: Editions du Seuil, 1947), được dịch sang tiếng Anh với tên Blood Brothers (New Haven: Yale Southeast Asia Studies, 1987).

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Văn Ký là tiểu thuyết Perdre la demeure (Paris: Gallimard, 1961). Tác phẩm đoạt Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp) năm 1961; được Phạm Văn Ba dịch sang tiếng Việt với tên Mất nơi ở Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn, 2006.

Linda Lê - người được giới phê bình Pháp coi trọng

Trong lĩnh vực văn chương, khi nhắc tới cụm từ “nhà văn Pháp gốc Việt”, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Linda Lê, bởi bà là một trong các nhà văn nữ hàng đầu nước Pháp hiện nay. Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, 14 tuổi Linda Lê theo mẹ sang Pháp.

Bà thành danh từ năm 1922 với Phúc âm Tội ác. Sau đó, các tác phẩm của bà đều được đón nhận nồng nhiệt như: Vu khống, 1993, Les Dits d'un Idiot (Lời Tên Khùng, 1995), và nhất là bộ ba Les Trois Parques(Ba Nữ thần Số mệnh, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998), và Lettre morte (Thư chết, 1999).

Linda Lê là một trong những nữ nhà văn hàng đầu tại Pháp hiện nay.

Linda Lê còn nhiều tác phẩm như: Les Aubes (Những buổi Rạng đông), truyện dài, năm 2000; Marina Tsvétaéva, phê bình văn học; Autres Jeux avec le feu (Lại chơi với lửa), tập truyện ngắn, năm 2002; Personne (Người), truyện dài, năm 2003; Kriss (kịch), năm 2004; Conte de l’amour bifrons (Truyện cuộc tình hai mặt), truyện dài, và Le Complexe de Caliban (Mặc cảm Caliban), gồm nhiều tiểu luận, năm 2005, In Memoriam (Tưởng niệm), truyện dài, năm 2007.

Một số tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt. Linda Lê cũng là nhà phê bình văn học cho Magazine Littéraire (tạp chí Văn học).

Giới phê bình cho rằng các tác phẩm của Linda Lê đi vào văn học một cách lặng lẽ, không ồn ào. Bà đã dành nhiều giải thưởng văn chương Pháp. Năm 2012, tiểu thuyết Sóng ngầm của bà vào chung khảo giải Goncourt. Mới đây, tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam.

Thuận - sống tại Pháp nhưng đóng góp cho văn học đương đại Việt Nam

Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp khoa Anh ngữ Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại ĐH Sorbonne (1992-1993). Hiện chị định cư tại Paris, có chồng là nghệ sĩ thị giác Trần Trọng Vũ.

Sống tại Pháp nhưng tác phẩm của Thuận có đóng góp cho văn chương đương đại Việt Nam.

Hơn 20 năm sống tại Pháp, nhưng các sáng tác của Thuận không tách rời đời sống xã hội Việt. Các tiểu thuyết của Thuận được nhiều người yêu thích như: Made in Vietnam, 2002; Chinatown, NXB Đà Nẵng, 2005; Paris 11 tháng 8, NXB Đà Nẵng, 2006; T mất tích, NXB Văn học, 2007; Vân Vy, NXB Hội Nhà Văn, 2008; Thang máy Sài Gòn, NXB Hội Nhà Văn; Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, NXB Văn học, 2015.

Bên cạnh đó, Thuận còn là dịch giả, chuyển ngữ các tác phẩm như: Xạ thủ nằm bắn, Ba gã cần khử, Ngôn từ, Người cha im lặng.

Tuy sống tại Pháp, song những tác phẩm của Thuận đóng góp cho văn chương đương đại Việt Nam. Mỗi tiểu thuyết của chị là một thử nghiệm, sáng tạo hình thức, chẳng hạn Chinatown được viết với cấu trúc không chương đoạn, Thang máy Sài Gòn có chương đoạn nhưng theo thứ tự hoàn toàn tự do, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư tràn ngập số 4…

Anna Moï- Nhà văn, nhà thiết kế sử dụng 5 ngoại ngữ

Anna Moï tên thật là Trần Thiên Nga (sinh năm 1955) tại Sài Gòn. Suốt thời thơ ấu bà đã đi và sống ở nhiều vùng đất như Sài Gòn, Buôn Mê Thuột và Hội An. Những năm 1970, bà sang Paris học lịch sử tại trường đại học Nanterre.

Nhà văn, nhà thiết kế ANna Moi.

Sự nghiệp của Anna Moï rẽ sang một hướng khác sau cuộc gặp gỡ với hai nhà tạo mẫu Agnès Troublè và Philippe Guibourgé. Bà quyết định trở thành nhà thiết kế thời trang. Do yêu cầu của công việc tạo mẫu, những năm 1980 tác giả đã có khoảng thời gian dài sống và làm việc tại Nhật Bản và Thái Lan. Chính vì thế, Anna Moï có thể sử dụng 5 thứ tiếng: Pháp, Việt, Anh, Nhật và Thái Lan.

Tập truyện ngắn đầu tiên của Anna Moï được xuất bản vào năm 2001. Tính đến nay cây viết nữ đã có một “gia tài” là 8 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, với các tác phẩm nổi bật như: Violon, Rapaces, Riz Noir, Le Venin du papillon...

Nguồn: Tần Tần/ zing.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo