Nồng ấm tình quê hương
![]() |
Chương trình Xuân Quê hương 2012 "Rồng thiêng hội tụ" đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới. Trong không khí ấm áp tình quê hương, bà con kiều bào đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được đón Tết cổ truyền trên quê hương đổi mới với tâm nguyện đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Ông Như Bình, Việt kiều tại CH Séc:
Ðoàn kết xây dựng quê hương
Tôi đã sinh sống ở CH Séc được 11 năm. Trong thời gian này, tôi tham gia dàn dựng, thực hiện các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật do Ðại sứ quán Việt Nam tại Séc và Hội Việt kiều tại Séc tổ chức. Ðây là cơ hội để kiều bào Việt Nam hướng về quê hương, nhớ về cội nguồn, đồng thời quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Hằng năm, cộng đồng người Việt Nam ở đây đều tổ chức chương trình đón Tết cho kiều bào, tạo điều kiện để kiều bào gặp gỡ, trao đổi thông tin về cuộc sống và quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào như: Ngày Văn hóa Việt Nam ở CH Séc, chương trình tuyển chọn Hoa hậu Việt kiều hướng về Tổ quốc. Những chương trình này thu hút sự tham gia của tất cả các lứa tuổi, thế hệ người Việt Nam sinh sống tại đây. Hội cũng thường xuyên đi về các cơ sở để động viên kiều bào làm ăn tốt và tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Những hoạt động đó đã giúp cộng đồng người Việt Nam ở Séc đoàn kết với nhau hơn và phần nào giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.
Hội người Việt Nam tại CH Séc thường xuyên có những hoạt động hướng về quê hương. Hội đã tổ chức quyên góp giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Chúng tôi, dù ở đâu, xa quê hương bao nhiêu năm, lúc nào cũng tâm niệm sẽ cố gắng hết sức mình đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Bùi Hiếu Minh, Việt kiều tại Hung-ga-ri:
Ðể các thế hệ sau được học lịch sử, văn hóa và tiếng Việt
Tôi sống và làm việc tại Thủ đô Bu-đa-pét 23 năm qua. Trở về nước lần này, tôi rất xúc động và vui mừng được chứng kiến sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Tôi tham gia Hội người Việt Nam ở Hung-ga-ri và tích cực hưởng ứng các phong trào vận động ủng hộ đồng bào trong nước: giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi... Những người Việt Nam sống xa quê luôn mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ để giúp các cháu là con em người Việt Nam thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài được học văn hóa, lịch sử và tiếng Việt để các cháu hiểu hơn về cội nguồn, thêm yêu đất nước và khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các cháu. Tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để các cháu được trau dồi kiến thức về văn hóa truyền thống dân tộc để sau này hướng về Tổ quốc và đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Vũ Ðình Tài, Việt kiều tại Xlô-va-ki-a:
Mong muốn quảng bá vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam
Mỗi khi Tết đến Xuân về, những người con Việt Nam dù sinh sống và làm việc ở đâu cũng đều mang tâm trạng bồi hồi, nhớ thương hướng về quê hương đất nước. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được Ðảng, Nhà nước đón tiếp nồng hậu, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, cho kiều bào về quê ăn Tết.
Tôi đi du học rồi sinh sống ở Thủ đô Bra-ti-xla-va của Xlô-va-ki-a hơn 30 năm nay. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại đây khá đông và thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hướng về quê hương. Tôi từng tham gia Ban chấp hành Hội người Việt Nam ở Xlô-va-ki-a trong nhiều năm và chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Ngoài việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho người Việt Nam tại Xlô-va-ki-a như họp mặt kiều bào, chương trình đón Tết cho cộng đồng Việt kiều, Hội còn mời các đoàn nghệ thuật trong nước sang biểu diễn, nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Trở về nước sau nhiều năm ở nước ngoài, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy quê hương mình ngày càng phát triển, giàu đẹp. Ðất nước ta có tiềm năng du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, không khí yên bình, con người thân thiện. Chúng tôi, những người Việt Nam tại nước ngoài, với tình yêu và niềm tự hào dân tộc, rất muốn quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp tới bạn bè quốc tế, góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ Ðỗ Ðình Chiểu, Việt kiều tại CH Pháp:
Luôn tâm nguyện đem kiến thức giúp đào tạo các thế hệ sau
Sinh ra ở quê hương Chiếc gậy Trường Sơn - Hòa Xá, ứng Hòa (Hà Nội), tôi may mắn và vinh dự được học tập và đào tạo tại Pháp, được sự dìu dắt trực tiếp của những người thầy nổi tiếng như các Giáo sư Lu-i Nin (người đoạt giải Nô-ben vật lý năm 1970 về từ học), Pi-e Gi-lê đơ Gien-nơ (người đoạt giải Nô-ben vật lý năm 1991 về môi trường đông đặc) và GS Fe-lích Béc-tô. Là chuyên gia Vật lý nguyên tử tôi luôn có một tâm niệm, đời mình chỉ có ý nghĩa khi đem những kiến thức đã tiếp thu được về giúp đỡ, đào tạo cho các thế hệ con cháu, xây dựng quê hương, đất nước.
Năm 1979, tôi trở về nước và dành nhiều thời gian giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam, tiến hành các cuộc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ trong nước. Tôi rất tự hào vì được tham khảo ý kiến về kỹ thuật xây dựng hai lò phản ứng điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Với quê hương Hòa Xá, tôi thành lập quỹ khuyến học với mong muốn khích lệ con cháu học hành giỏi giang. Có một gia tài khổng lồ là những tủ sách, tôi đang có tâm nguyện xây một ngôi nhà lớn ở Ðông Anh (Hà Nội) để làm thư viện và tạo điều kiện cho các cháu học sinh tới học tiếng Pháp. Sống xa quê hương hơn nửa thế kỷ, nhưng vốn tiếng mẹ đẻ của tôi vẫn dồi dào. Cùng với khả năng tiếng Pháp, tiếng Anh, tôi sẵn sàng giúp đỡ và giới thiệu sinh viên Việt Nam có triển vọng và tài năng sang học tập, nghiên cứu tại Pháp.
Ðược hưởng hai nền văn hóa Pháp - Việt, tôi muốn làm nhịp cầu nối văn hóa giữa nhân dân hai nước. Từng đưa các phái đoàn chuyên gia nước ngoài về nước để giới thiệu với họ về khả năng của người Việt Nam, sắp tới, tôi mong muốn tổ chức một hội nghị tại Pháp về Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử đất nước mình. Với tôi, điều quan trọng đối với các thế hệ trẻ bây giờ là làm thế nào để giáo dục truyền thống, giúp con cháu chăm chỉ học hành và luôn giữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Nguồn: Nhandan