Quê hương là chùm khế ngọt (5): Trẻ thơ
![]() |
Hình minh họa |
Có ai đã từng đi xa mới thấu hiểu cho nỗi khổ của người xa. Có những nỗi thiếu vắng và cả những khát thèm, ước mong từ tất cả những điều tưởng chừng bình thường và nhỏ nhặt nhất. Bao nhiêu năm xa giờ mới trở lại quê nhà, cứ là rưng rưng nước mắt, cứ là hồi hộp ngóng trông, cứ xốn xang, cứ ngập lòng một niềm vui khó tả.
Đến địa phận đất nước mình, nhìn từ trên không trung, khi máy bay bắt đầu hạ độ cao, dải đất hình chữ S hiện dần ra trước mắt, xa xa phía dưới kia là vệt rừng xanh thẫm, đây là dòng sông lấp loáng phản chiếu bởi ánh nắng mặt trời. Tất cả gần gũi đến vô cùng, bước chân bỡ ngỡ xuống phi trường rất lạ mà lại rất quen.
Vì lỡ chuyến bay nên anh chị em chúng tôi cũng khá đông đều phải nằm lại ở trạm trung chuyển thuộc một sân bay cũng thuộc châu Á. Hành lý đã về từ ngày hôm trước, người phải lui lại về chuyến hôm sau, vì người chưa về nên tạm thời valy của mọi người phải vào nằm tại kho của sân bay. Mãi tận trưa ngày hôm sau, khi xong xuôi mọi thủ tục nhập cảnh, chị em chúng tôi đi ra ngoài tiền sảnh, nghe các anh hải quan nói hành lý của chúng tôi hiện đang nằm trong kho nên hai chị em tìm đường ra kho, (những người đi cùng chuyến bay với chúng tôi đã nhanh chân ra đó trước rồi).
Chỉ còn hai chị em tôi là ra sau cùng và đang ngơ ngác. Bỗng một cháu trai có lẽ khoảng chừng 12 đến 13 tuổi. nom rất lanh lợi hoạt bát. Cháu chào hai cô thật lễ phép và khi biết được chị em chúng tôi đang tìm đường nên cháu xung phong dẫn hai cô tới kho. Kho nằm cách sân bay chỉ vài trăm mét thôi chứ không xa, vài phút sau là tới. Bao nhiêu năm xa quê giờ mới đặt chận về lại đất Mẹ, ấn tượng đầu tiên đẹp lắm trong tôi là lòng nhiệt tình của cháu trai nhỏ, sao mà lại ngoan ngoãn và lễ phép đến nhường này. Chị em tôi cứ tấm tắc khen và khỏi phải nói chúng tôi vui đến mức nào.
Chỉ kho cho chúng tôi xong, cháu bắt đầu tỏ ý mình:“ Hai cô cho cháu xin ít tiền vì công cháu dẫn các cô tới kho“. Ừ nhỉ! Có vậy mà chúng tôi không nghĩ ra, chị em tôi nhìn nhau , giật mình chút thôi chứ không lạ vì chút nữa mình quên mất công lao cháu bé. Sẵn tờ 10 USD bạn tôi đưa ngay cho cháu bé gọi là trả công. Có lẽ là đã quen với công việc chỉ trỏ này, cũng như có thể cháu chê ít, hay cháu bắt nạt chúng tôi lạ nước lạ cái, nên cháu lớn tiếng hơn:“ Hai cô đi Tây về mà keo thế, các cô phải trả cho cháu mỗi người 10 đô, hai mươi đô đối với các cô có là gì đâu!“.
Đúng! 20 USD không đáng là bao nhiêu cả, chị em tôi đã trả đủ luôn theo yêu cầu của cháu. Nhưng lời của cháu bé làm cho chị em tôi từ ngỡ ngàng đến bật cười ngay trong phút đầu tiên đặt chân về đất Mẹ. Mới chỉ hơn chục tuổi đầu thôi, làm sao cháu biết nơi đất khách quê người chúng tôi sống ra sao và đã làm việc ra sao. Rồi đồng tiền nơi đó như thế nào?
Chỉ là việc làm riêng của cu cậu bé con con kia nó cũng cho chúng tôi một bài học là: phải thận trọng hơn, dè dặt hơn, cần đề phòng và tỉnh táo mà tìm hiểu với tất cả những gì có thể xảy ra tiếp theo mà phần lớn sẽ là sự bỡ ngỡ. Để từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân rằng chẳng có sự vô tư nào dành cho mình cả.
Trưởng Thôn Vietinfo.eu
>Quê hương là chùm khế ngọt (4): Nghĩa hiệp