Người Việt khắp nơi

Tan mộng giàu sang ở xứ người, thân gái sống đời tủi hổ với phận “vợ mua”

Cập nhật lúc 12-08-2018 15:24:33 (GMT+1)
Sau khi được giải cứu, em H. đã trình báo công an.

 

Những tháng ngày bị bán làm vợ người đàn ông Trung Quốc, H. sống trong tủi hổ và lo lắng. Em tìm cách liên lạc với những người Việt Nam là hàng xóm nhà chồng để được giúp đỡ. 


Nhờ vậy, sau hơn 2 tháng làm vợ bất hợp pháp ở xứ người, H. đã may mắn trở về quê hương và tố cáo kẻ dụ dỗ bán mình với giá 100 triệu đồng.

Bỏ ra 100 triệu đồng để... “mua vợ”

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị đang tiến hành điều tra đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp. Nạn nhân của đường dây này là em D.T.H. (SN 2001, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Em H. vừa được tổ chức Rồng Xanh, một tổ chức đóng ở Hà Nội chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người trở về Việt Nam sau hơn 2 tháng sống tủi hổ nơi xứ người.

Ngay khi trở về Việt Nam, H. đã làm đơn tố cáo kẻ dụ dỗ mình bán qua Trung Quốc. Đối tượng là một phụ nữ tên Th. (đang xác định danh tính thật-PV). Theo H. trình bày, vào tháng 4/2018, em đang đi xin việc làm thì gặp Th. rồi trò chuyện qua lại. Biết hoàn cảnh H. nghèo khó, muốn đi làm kiếm tiền nên người phụ nữ này rủ em sang Trung Quốc làm việc với thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Th. quảng cáo, các công ty sản xuất ở bên Trung Quốc cũng làm việc như Việt Nam, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, công việc nhàn hạ mà lương cao. Do vậy, H. đã đồng ý lời đề nghị của Th. đi xuất khẩu lao động.

Sau đó, H. được Th. đưa qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sang tới nơi, người này giao H. cho một người đàn ông Trung Quốc đổi lấy hơn 30 vạn Nhân dân tệ (khoảng hơn 100 triệu đồng tiền Việt Nam). H. được người đàn ông Trung Quốc dẫn tới nhà một người đàn ông nghèo khó tại vùng núi. Qua đó, kẻ môi giới bán H. cho gia đình người đàn ông đó (sau này là chồng bất hợp pháp của H.) với lý lẽ rằng phải kết hôn giả mới có công việc làm như ý.

Những ngày sống tại gia đình người đàn ông lạ, H. mới hay mình đã bị bán làm vợ. Do bất đồng ngôn ngữ lẫn phong tục, tập quán, H. luôn bị mắng chửi, tra tấn tinh thần. Ban ngày, em làm việc cật lực ngoài đồng ruộng, tối đến phải phục vụ chăm sóc ông chồng già đến độ kiệt sức. Nhà chồng đoán biết được việc H. sẽ bỏ trốn nên cấm em ra ngoài gặp gỡ mọi người, không cho đi chợ. Để tạo cơ hội cho quá trình hồi hương, một mặt H. chăm chỉ làm việc, ngoan ngoãn nghe lời chồng, mặt khác, em cố gắng học giao tiếp bằng ngôn ngữ của nước sở tại.

Nỗi tủi nhục khi làm vợ bất hợp pháp

Sau một thời gian sống an phận nơi xứ người, H. đã được nhà chồng nới lỏng quản lý. Em có thể tự làm đồng một mình mà không bị người thân của chồng giám sát như trước. Nhờ đó, em tìm hiểu và làm quen với một người Việt Nam là hàng xóm rồi kể về hành trình mình bị bán, mong được giúp đỡ. May mắn, H. được người hàng xóm liên lạc với chính quyền Trung Quốc và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại đây. Sau đó, em được giải cứu bởi tổ chức Rồng Xanh. H. được đưa về quê hương vào tháng Bảy vừa qua. Trải qua thời gian làm vợ nơi xứ người, H. cho biết đó là chuỗi ngày chịu nhiều tủi nhục. Mỗi lần nhớ lại hành trình hồi hương, H. coi đó như một cơn ác mộng.

Là một nhân chứng xuất ngoại lấy chồng Trung Quốc rồi trở về Việt Nam vào tháng 11/2016, chị Vũ Thị X. (25 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Đồng tiền ở đâu cũng có giá nhất định, lấy được tiền ở xứ người, chúng tôi bị buộc phải trở thành gái mại dâm, chiếc giẻ rách lau nhà cho thiên hạ...”.

Qua lời kể, được biết chị X. là một trong số nhiều nạn nhân vì muốn lấy chồng Trung Quốc đổi đời mà đã dính bẫy kẻ lừa đảo, buôn người. Đến giờ đã về quê hương, nhưng mỗi lần nhắc đến những ngày tháng làm vợ người đàn ông tên Lee Ya Te (45 tuổi, ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), chị đều rơi nước mắt tủi nhục.

Hiện vẫn còn nhiều cô gái trẻ khát vọng giàu nhanh, đã tin lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới mại dâm và bị bán sang Trung Quốc. PV đã làm việc với Đào Thị L. (20 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) trong một chuyến công tác cuối năm 2017. Thời điểm gặp PV báo ĐS&PL, L. vừa trốn thoát từ động mại dâm Trung Quốc trở về với hành trình hơn 30 ngày vượt rừng, núi. Trước đó, L. đi bóc điều thuê tại một xưởng điều cách nhà 3km. Tại đây, chị đã gặp Đinh Thị Th. (27 tuổi, quê huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mời gọi sang Trung Quốc làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Qua trò chuyện với Th., L. thổ lộ ước mơ cuộc sống giàu sang để rồi sập bẫy của đường dây buôn người này.

Trường hợp L. không phải là hi hữu, theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng buôn bán người ra nước ngoài không còn mới và xa lạ, từ thông tin trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa về những vụ việc liên quan cũng như cảnh báo về tình trạng trên. Nhưng tình trạng buôn bán người sang Trung Quốc vẫn có diễn biến phức tạp ngày càng tinh vi và thủ đoạn hơn. Nguồn gốc của vấn nạn này là do đói nghèo túng quẫn cũng như sự thiếu hiểu biết của những người phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa.

Theo đánh giá của Ths.BS Vũ Thiện Toàn, hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam, hiện nay nhiều kẻ xấu lợi dụng chính sách thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực visa... nên cấu kết với người nước ngoài thiết lập đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm người thân. Khi ra đến nước ngoài, họ bị chúng cưỡng bức lao động, bán vào các động mại dâm hoặc môi giới hôn nhân (kết hôn giả) để lừa các cô gái qua Trung Quốc, Hàn Quốc...

“Các phương thức mà kẻ xấu sử dụng là cho vay nặng lãi, tiếp cận làm quen, thông qua các trang mạng xã hội. Tại đây, chúng dụ dỗ các em trai, gái mới lớn đang thiếu sự quản lý của gia đình bỏ học, bỏ nhà đi làm những công việc có thu nhập cao. Sau khi nạn nhân mắc bẫy, chúng lừa bán những người này cho các nhà hàng, ép họ hoạt động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Để hạn chế và phòng tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu, theo tôi, chúng ta nên tăng cường tuyên truyền đưa các thông tin liên quan đến nạn buôn bán người. Đặc biệt, là các phương thức thủ đoạn của những đối tượng xấu đến các cộng đồng dân cư vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì trên thực tế, các nạn nhân do thiếu hiểu biết nên dễ bị lừa bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ có thu nhập cao”, Ths.BS Toàn nêu bức tranh thực tế.

Trung tá Nguyễn Duy Thanh, Đội trưởng đội 4, phòng 6, đội Phòng chống mua bán người, cục Cảnh sát Hình sự phía Nam, bộ Công an cho biết: “Hầu hết, những đường dây đưa người trái phép sang Trung Quốc làm gái, làm vợ bất hợp pháp đều có sự móc nối của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Chúng hoạt động tinh ranh, kín kẽ.

Khi phát hiện có “động” thì chúng tạm dừng. Phía công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, theo dõi nhiều vụ việc tương tự. Thế nhưng, các nạn nhân vẫn liên tiếp mắc bẫy bởi những lời dụ dỗ của kẻ buôn người khi sang Trung Quốc sẽ có cuộc sống giàu sang”...

Nguồn: Huệ Trần/Đời sống pháp luật

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo