Người Việt khắp nơi

Thế hệ trẻ người Việt ở Úc: Duy trì và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt

Cập nhật lúc 26-01-2011 19:48:18 (GMT+1)
Các em sinh viên người Việt tại Sydney, Úc

 

Cộng đồng người Việt tại Úc thực sự hình thành từ sau năm 1975, chủ yếu là các mốc thời gian 1978 và 1982. Cũng căn cứ theo thống kê trên về sinh quán, chỉ bao gồm thế hệ thứ nhất, ít ai biết rõ có bao nhiêu người Việt thuộc thế hệ thứ hai, tức con cái của các cha mẹ người Úc gốc Việt.


Thống kê căn cứ trên ngôn ngữ sử dụng trong gia đình cũng phần nào tiết lộ điều đó, dĩ nhiên là khó đầy đủ: Năm 2008 có 186.423 người nói tiếng Việt ở nhà, đứng hàng thứ bảy tại Úc, sau tiếng Anh (ngôn ngữ chung), tiếng Ý (316.000 người), tiếng Hy Lạp (252.000 người), tiếng Quảng Đông (244.000 người), tiếng Ả Rập (243.000 người) và tiếng Quan Thoại (220.000 người). Trải qua mấy năm, ước lượng tổng số người Việt hiện nay đang ở Úc, bao gồm thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai và cả thế hệ thứ ba là khoảng trên dưới 350.000 người. Như vậy cộng đồng người Việt tại Úc chỉ đứng sau Mỹ (khoảng một triệu rưỡi) và Pháp (khoảng 500.000 người). Trong số này, có khoảng 80% người Việt tại Úc sống tại 2 tiểu bang đông dân cư là New South Wales và Victoria. Cũng tại các tiểu bang lớn, người Việt có xu hướng sống tập trung ở các thành phố lớn. Ví dụ, tại New South Wales là Sydney (trên 85.000 người); tại Victoria là Melbourne (trên 80.000 người); tại Queensland là Brisbane (trên 20.000 người); tại Nam Úc là Adelaide (trên 16.000 người); tại Tây Úc là Perth (trên 14.000 người)... Một đặc điểm nổi bật khác ở các khu vực đông dân cư người Việt là các trung tâm thương mại Việt Nam, bao gồm chợ, quán xá, các văn phòng dịch vụ đều là của người Việt.
 
Là đất nước đa văn hóa, tại Úc hiện có trên 100 ngôn ngữ được sử dụng. Nếu xem ngôn ngữ sử dụng trong nhà như một chuẩn mực để thống kê sắc dân thì tại đây, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, kế đến là tiếng Ý và tiếng Hoa. Riêng tại Tây Úc, tiếng Anh đứng đầu, tiếp đến là tiếng Hoa, tiếng Ý và tiếng Việt. Còn tại hai thành phố Sydney và Melbourne, tiếng Việt đứng hàng thứ ba. Thứ tự kể trên chưa hẳn là dấu hiệu đáng mừng bởi nếu xem ngôn ngữ là nền tảng văn hóa thì người Việt ở đất nước này đang đứng trước nguy cơ bị mai một bản sắc. Vẫn tại Úc, trong các cuộc điều tra dân số, ngoài mục ngôn ngữ chính được sử dụng trong gia đình, thông thường còn thêm câu hỏi về trình độ tiếng Anh. Có khoảng 39,2% người Việt (phần lớn thuộc thế hệ thứ nhất) tự xếp mình vào hạng “tiếng Anh không giỏi” hoặc “không biết gì”, nhiều hơn hẳn số người Hoa nói tiếng Quan Thoại (29,5%) và người Hoa nói tiếng Quảng Đông (29,9%). Số còn lại (hơn 60%) người Việt tự xếp mình vào hạng “nói tiếng Anh trung bình hoặc giỏi”.
 
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này cũng không có gì khó hiểu. Lý do bởi trong hoàn cảnh sống tập trung như vậy, nhiều người, nhất là các bậc cao niên và phụ nữ lớn tuổi làm việc tại nhà hoàn toàn không cần đến tiếng Anh. Khi đi chợ đã có các khu chợ người Việt. Khám bệnh cũng có các bác sĩ người Việt. Hầu như dịch vụ nào cũng có người nói tiếng Việt. Song ngược lại, nếu như người Việt thế hệ thứ nhất luôn được đánh giá là nhóm đối tượng bảo vệ tiếng mẹ đẻ tốt nhất tại Úc thì ngược lại các thế hệ sau lại ít khi nói tiếng Việt ở nhà. Thông thường trong gia đình, trẻ em gốc Việt luôn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Chỉ khi nào trò chuyện với cha mẹ, ông bà... các em mới dùng tiếng Việt. Anh Bảo Vũ, Biên tập viên Đài phát thanh Quốc tế Australia cho biết, trong mọi sinh hoạt của gia đình, anh yêu cầu các con phải nói tiếng Việt. Đến giờ ăn, anh tắt hết tivi, radio để cả nhà cùng nhau “thực hành”  tiếng Việt. Anh tâm sự: “Gia đình tôi luôn chủ trương cho các cháu ăn các món ăn Việt, tạo mọi cơ hội cho các con tiếp xúc càng nhiều với người Việt càng tốt thông qua các hoạt động cộng đồng để các cháu trau dồi tiếng Việt”.
 
Có ý kiến cho rằng cộng đồng người Việt ở Úc đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc cùng nỗi lo âu thế hệ con em sau này sẽ dần dần chuyển qua dùng tiếng Anh thay tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Việc học tiếng Việt của con em Việt kiều, đặc biệt là các thế hệ tiếp theo không phải là đơn giản bởi những thế hệ đó sinh ra, lớn lên, sống và làm việc trong môi trường Anh ngữ. Cũng tại Úc, các ngoại ngữ được xem là phổ biến gồm có 4 ngôn ngữ châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý) và 4 ngôn ngữ châu Á (Hoa, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam). Ngay từ tiểu học, học sinh phải chọn lựa 1 trong 8 ngoại ngữ nêu trên để học như một ngoại ngữ bắt buộc. Khi lên bậc Đại học, các sinh viên ngành xã hội học cũng phải chọn 1 ngoại ngữ châu Á. Thế nhưng vẫn có nhiều sinh viên gốc Việt chọn tiếng mẹ đẻ như ngoại ngữ bắt buộc lại phải thi trả nợ môn này vì sử dụng tiếng Việt còn kém cả giảng viên người Úc. Trong trường Đại học tình hình cũng tương tự, luôn có khoảng cách nhất định giữa sinh viên Việt kiều và những du học sinh từ trong nước sang. Phần lớn sinh viên Việt kiều không muốn dùng tiếng Việt nói chuyện, bởi họ có thể hiểu tiếng Việt nhưng lại không thể dùng tiếng Việt để diễn tả trọn vẹn ý tưởng của mình. Thời gian qua, ông Kevin Rudd khi còn đương nhiệm chức vụ Thủ tướng Úc đã từng kêu gọi, vận động sinh viên nên học thêm một ngoại ngữ châu Á nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước này. Và mới đây, cộng đồng người Việt ở Melbourne đã kiến nghị lên chính quyền các tiểu bang, đề nghị đưa tiếng Việt vào các chương trình học chính khoá cho con em người Việt ở tất cả các cấp học. Đây cũng là một cách để duy trì và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trên xứ sở Kanguru.
Trung Nguyên
Theo Đại đoàn kết

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo