Người Việt khắp nơi

Tương lai nào cho du học sinh Nga?

Cập nhật lúc 20-08-2017 17:55:30 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

Quyết định cử đi học tại Nga của Bộ giáo dục và đào tạo dành cho những học sinh, sinh viên xuất sắc đã mang tới cho họ những hy vọng, niềm tin vào một tương lai đầy hứa hẹn.


Khoảng 5-10 năm là thời gian các bạn lưu học sinh cần trải qua tại xứ sở Bạch Dương để có thể nhận tấm bằng cử nhân đến tiến sĩ. Cũng trong suốt thời gian đó Nhà nước sẽ cung cấp cho họ một lượng sinh hoạt phí không hề nhỏ để phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên sau khi kết thúc khóa học của mình tại đây, trở về nước họ sẽ đi đâu và làm gì luôn là một câu hỏi lớn được đặt ra.

Nga là một nước có nền khoa học kỹ thuật tầm cỡ trên thế giới, cũng là nước chiếm vị thế hàng đầu về khoa học cơ bản, toán học, vật lý lý thuyết, hóa học… Đây cũng là quốc gia đầu tiên có nhà máy điện nguyên tử, vệ tinh nhân tạo với việc đưa người lên vũ trụ và vô vàn các thành tựu khoa học khác. Nền khoa học và giáo dục ở Liên bang Nga hứa hẹn đem tới cho các bạn lưu học sinh nguồn kiến thức chất lượng.

Trải qua năm dự bị tiếng đầy khó khăn các bạn lưu học sinh mới chính thức bước chân vào giảng đường đại học. Năm học này là lúc các bạn sinh viên trang bị cho mình nền tảng tiếng Nga căn bản để tiếp thu kiến thức cho những năm đại học và sau đại học. 5 năm học là khoảng thời gian các bạn lưu học sinh “dùi mài kinh sử” để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập và nhận được tấm bằng đỏ (bằng loại xuất sắc) để trở về phục vụ quê hương, đất nước. Phần lớn các bạn lưu học sinh diện hiệp định đều có kết quả học tập tốt và đều nhận được bằng loại giỏi. Tuy nhiên với tấm bằng đó các bạn lại còn khá hoang mang khi trở về nước.

Bởi lẽ do thời gian sống ở Nga khá lâu nên sự cập nhật tình hình trong nước bị hạn chế, cộng thêm môi trường văn hóa giữa 2 nước khác nhau. Vì thế sẽ không ít khó khăn đang chờ đón các bạn ở phía trước khi về nước. N.T.L cử nhân năm 2017 nói: Em và gia đình mong muốn sau khi kết thúc cử nhân em sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Nga ở một trường gần nhà nhưng em sẽ quay lại Nga để tiếp tục học tập và nhận tấm bằng thạc sĩ vì như vậy em sẽ có nhiều cơ hội hơn cho tương lai.

M.T - cử nhân khoa Báo năm 2017 với tấm bằng đỏ cho biết: “Em rất mong muốn khi về nước sẽ có một việc làm ổn định nhưng trong thời điểm hiện tại có lẽ là rất khó nên em sẽ đăng ký học bổng để tiếp tục quay lại Nga học thạc sĩ.”. Đây cũng là một trong những lựa chọn của phần lớn các bạn cùng khóa với M.T. Câu hỏi được đặt ra là: “Các bạn không đủ tự tin với tấm bằng giỏi của mình hay khi về nước với một môi trường sống khác quá khó để kiếm cho mình một công việc như ý?”. Như đã nói ở trên với thời gian sống và học tập ở Nga, kiến thức các bạn nhận được có thể khẳng định là đủ để kiếm cho mình một công việc. Theo thống kê có hai lý do mà đa số các bạn lưu học sinh chọn giải pháp quay lại Nga để tiếp tục chương trình học cao hơn. Một là, đó cũng là một cơ hội để các bạn học tiếp lên những bậc học cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ... Ngoài ra đó cũng là cách để “trì hoãn” việc phải đối đầu với những khó khăn trước mắt tìm kiếm được việc làm phù hợp.

A.T lưu học sinh tại Nga tốt nghiệp thạc sĩ, về nước năm 2015 chia sẻ: “Nếu chịu khó đi làm và bắt đầu từ con số 0, lương khởi điểm thấp thì lưu học sinh sau khi về nước cũng có cơ hội việc làm chứ không phải là không. Nhưng nhìn chung thì không khá hơn so với sinh viên tốt nghiệp trong nước là mấy vì các nhà tuyển dụng cần thực lực là chính chứ không phải bằng cấp. Lúc đi xin việc mình đã tạm quên mình là sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ, còn nếu nghĩ thạc sĩ phải được lương cao hơn thì rất khó xin việc”.

Bạn T.A tốt nghiệp đại học tại Nga năm 2015 tâm sự: “Hai năm sau khi tốt nghiệp em tự kiếm việc và làm việc đều không liên quan đến chuyên ngành mà chỉ có sử dụng vốn tiếng Nga có được sau những năm học ở Nga”.

Tuy có không ít những du học sinh sau khi về nước cũng đã trở thành những kỹ sư, giảng viên, các nhà nghiên cứu khoa học, hay những nhà kinh doanh thành đạt. Nhưng bên cạnh đó là biết bao du học sinh còn đang loay hoay kiếm tìm cho mình một công việc ổn định, đúng ngành nghề mà mình đã được học ở nước ngoài. 

Những du học sinh là nguồn lao động có trình độ cao được đào tạo bài bản, là những lớp hạt giống cho sự phát triển đất nước nhưng dường như chúng ta đang lãng phí nguồn lao động đó?!. Đa số các bạn lưu học sinh diện hiệp định sau khi tốt nghiệp về nước chưa nhận được sự ưu tiên hay giới thiệu việc làm từ Bộ Giáo dục và đào tạo. 5-10 năm tuổi trẻ với những cố gắng, phấn đấu học tập ở nước ngoài với mong muốn được cống hiến sức lực và tài năng của mình để xây dựng quê hương đất nước, để có một tương lai tươi sáng. Nhưng thực tế con đường tìm nghiệp của họ còn quá gian nan, vất vả. Với mong muốn được sự quan tâm của các ban, ngành có liên quan những lưu học sinh được dùng chính “chất xám” của mình để cống hiến trí tuệ và sức lực đất nước, cho dân tộc mình.

HOÀNG NGUYỄN
Nguồn: laodong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo