Người Việt khắp nơi

Võ Việt ở xứ Bạch Dương

Cập nhật lúc 26-01-2012 18:20:09 (GMT+1)
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh và võ sinh môn phái Lâm Sơn Động (người bìa trái là Đại úy Andrey).

 

Những võ sinh Nga cơ bắp cuồn cuộn, tung quyền, phi cước cùng với các sư phụ người Việt trong cái rét căm căm đã không còn là hình ảnh xa lạ ở xứ sở bạch dương. 


 

Trong số những võ sinh này có nhiều người là cảnh sát đặc nhiệm, sỹ quan an ninh…
  
Võ đường Việt ở xứ tuyết
 
Trở lại những ngày khởi đầu của các lò võ Việt ở Nga, lúc này nạn trộm cắp, trấn lột diễn ra thường xuyên. Các băng nhóm tội phạm thi nhau xuất hiện, bắn giết nhau tranh giành địa bàn. Cả người Nga lẫn người Việt đều sống trong trạng thái bất an. Đi làm phải nhìn trước ngó sau, nhiều người không dám đi chơi ngoài phố.
 
Để bảo vệ mình, một số người Nga và người Việt tìm thầy học võ. Lúc bấy giờ ở Nga có nhiều võ sư của một số môn phái sang đây học tập, lao động. Họ tổ chức các nhóm dạy võ tự vệ cho bà con nhưng rất manh mún, tự phát. Trước tình hình đó, các trung tâm thương mại của người Việt phối hợp với Ban an ninh Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tìm các biện pháp hỗ trợ cho đồng bào mình.
 
Tháng 8/2001, với sự giúp đỡ của Tham tán công sứ Vũ Xuân Ninh, Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán TS Nguyễn Đình Lâm (lúc đó là Tổng giám đốc Trung tâm thương mại Sông Hồng) cùng những người yêu võ thuật đã thành lập Hội võ thuật Việt Nam tại Nga, tập hợp hơn 10 môn phái võ đang có mặt ở đây với mục đích góp sức bảo vệ cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, phát triển tinh hoa võ học Việt Nam trên đất nước bạn. Sau khi thành lập, một loạt võ đường được ra đời ở các quận trung tâm Matxcova. Phong trào học võ được phát triển quy mô lớn và rộng khắp. Trong số các võ sinh, có nhiều người Nga, đang làm việc trong ngành cảnh sát.
 
Ở Matxcova, võ đường của võ sư Huỳnh Ngoc Ẩn - môn phái Vịnh Xuân- chiều nào cũng đông người. Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn là học trò cưng của võ sư Hồ Hải Long, từ TP Hồ Chí Minh sang. Nhìn những bước chân chắc nịch, những cánh tay vươn lên mềm mại nhưng khi ra đòn lại cứng như thép của hai võ sinh người Nga, đến giờ giải lao, tôi tới làm quen và hỏi:
 
- Tên anh là gì? Đang làm việc ở đâu?
 
Lau mồ hôi trên mặt, chàng trai cao lớn nở nụ cười rất tươi:
 
- Tôi là Mixain, anh cứ gọi là Misa cho tiện. Tôi đang làm việc tại Công an quận Bắc, Ban An ninh kinh tế.
 
Tôi ngạc nhiên:
 
-  Công an giỏi võ rồi sao còn học làm gì?
 
-  Lúc đầu cũng chỉ tò mò xem cho vui, sau thấy môn võ này rất hay nên xin thầy Ẩn học luôn - Anh chỉ sang bên cạnh - Đây là Alex, bạn cùng cơ quan với tôi cũng thích học lắm. Nghề của bọn tôi càng giỏi võ càng đỡ nguy hiểm.
 
Nhìn võ sư Ẩn bé nhỏ giữa những người học trò cao lớn, niềm vui bỗng trào dâng  trong tôi.
 
Tài năng, bản lĩnh và chân thành
 
Tìm đến võ đường trên đường Dmitrov, võ sư Lương Ngọc Huỳnh đang biểu diễn mấy thế đánh liên hoàn. Anh là người sáng lập môn phái Lâm Sơn Động ở Hà Tây (cũ). Võ sư Huỳnh đang là Phó chủ tịch thường trực Hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga. Thấy tôi vào, anh vui vẻ giới thiệu:
 
-  Đây là lớp thứ 3 của em. Mấy anh em Viêt Nam đã học được mấy tháng, chỉ có mấy anh người Nga này mới vào thêm. Đây là Andrey, Thiếu tá công an, Phó trưởng đồn quận Dmitrov -  Andrey gật đầu chào rồi quay lại tập tiếp với mấy võ sinh khác.
 
Tôi hỏi Huỳnh:
 
-  Ai giới thiệu mà Andrey đến học võ?
 
-  Có mấy tay taxi không tin võ Việt Nam nên thách đấu với em. Trước khi đấu em cho mời cả công an xuống để nhỡ có chuyện gì thì có người làm chứng. Chỉ vài phút, em đã cho tay taxi to cao nằm dài ra đất. Lúc đó Andrey cũng có mặt, thế là xin học luôn.
 
Tạm biệt võ sư Lương Ngọc Huỳnh, tôi đến võ đường Rubac. Ký túc xá Rubac là một khách sạn cũ được sửa chữa và nâng cấp ở vùng Đông Bắc Matxcova, nơi có đông người Việt sinh sống. Tôi lên tầng 5 gặp võ sư Ngô Xuân Thi - Phó chủ tịch Hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga - một người dành hết tâm huyết cho nghề võ. Anh là võ sư môn phái Hồng gia. Võ sinh của anh có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Ngoài những học trò người lớn, anh còn dạy cho học sinh trong nhà trường phổ thông, vì thế anh rất được người Nga quý mến.
 
Sau một hồi tay bắt mặt mừng, ngồi kể chuyện hàn huyên, tôi hỏi về mấy người trong bức ảnh treo trên tường. Thi bảo: “Mấy người trong bức ảnh đó, em chỉ biết hai người bên an ninh, một người bên cảnh sát, nhưng họ ở bộ phận nào thì em không hỏi. Họ là những võ sinh học tập nghiêm túc và có năng khiếu”.
 
Buổi chiều hôm đó, tôi lang thang ngắm mùa thu vàng nước Nga trong công viên trung tâm, những kỷ niệm gắn bó với cuộc đời mình bỗng lại ùa về. Tôi chợt nhớ đến anh bạn Nga làm việc ở Sở công an thành phố gần đó và quyết định đến thăm.
 
Sở công an thành phố Matxcova tọa lạc trên phố Petropka số nhà 38, anh bạn Victo của tôi phải xuống phòng bảo vệ đón, tôi mới vào được. Phòng làm việc của Victo vẫn bày biện như trước, chỉ thêm mấy cái giấy khen trên tường và có mấy khuôn mặt mới. Victo vui vẻ:
 
-  Giới thiệu với mọi người, đây là anh bạn Việt Nam tốt bụng của tôi. Chúng tôi đã cùng phối hợp với nhau chống tội phạm mười mấy năm rồi đấy.
 
Victo giới thiệu tên những nhân viên mới mà tôi chưa biết và một người bạn đồng nghiệp nhưng làm việc ở nơi khác. Anh lấy từ trong tủ một chai vodka, rót mỗi người một ly nhỏ:
 
-  Chúc mừng anh bạn cũ nào.
 
Anh bạn của Victo bắt tay tôi rất chặt:
 
- Tôi là công an nhưng là học trò của thầy Ngô Xuân Bính. Chắc anh biết thầy Bính?
 
-  Thầy Bính không những sáng lập ra phái võ Nhất Nam mà còn là một bác sĩ châm cứu giỏi, một họa sĩ tài hoa nữa. Những lần thầy tổ chức hội thảo cho võ sinh các nơi về thầy đều mời tôi đến dự.
Victo nói với mọi người:
 
-  Chắc các bạn đã hiểu vì sao tôi quý người Việt Nam, nhiều bạn bè tôi theo học võ Việt Nam bởi người Việt Nam là có tài năng, bản lĩnh và chân thành với bạn bè.
 
Và tôi, tôi cũng hiểu thêm vì sao chúng ta có những võ sinh đặc biệt như thế.

Hà Nội, Xuân 2012

Nguồn: giaoduc.net.vn

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo