Vụ án

Có gì mới trong phiên phúc thẩm vụ Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng?

Cập nhật lúc 25-05-2018 09:09:43 (GMT+1)
TRịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo.

 

Nếu không có gì thay đổi thì ngày 5/6 tới, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land). Vụ án này có Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng cùng ra hầu tòa.


Dự kiến phiên tòa phúc thẩm này có 3 thẩm phán và 2 kiểm sát viên cao cấp. Có khoảng 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại tòa.

Trước đó, đầu tháng 2, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) 9 năm tù, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) chung thân, Đào Duy Phong (cựu Chủ tịch PVP Land) 16 năm tù, Nguyễn Ngọc Sinh (cựu Tổng giám đốc PVP Land) 13 năm tù, Thái Kiều Hương (cựu Tổng giám đốc công ty Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) cùng mức án 10 năm tù.

 

Ông Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo.

2 bị cáo còn lại gồm Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch công ty 1/5) án 8 năm tù, Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu Kế toán trưởng công ty 1/5) 6 năm tù. Tổng hợp cả bản án trước đó họ đã lĩnh do liên quan vụ án khác, Bình và Thoa cùng lĩnh án chung thân.

Theo nội dung bản án sơ thẩm thì cuối năm 2009 đầu năm 2010, PVN có chủ trương chuyển tất cả các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho PVC quản lý. Cùng thời điểm này, bị cáo Lê Hòa Bình muốn mua Dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.

Thông qua môi giới Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27/3/2010, Bình cùng với 5 cổ đông của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng.

Để mua tiếp số cổ phần còn lại, Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại Dự án Nam Đàn Plaza. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý và chỉ đạo Đào Duy Phong đứng ra thu xếp việc mua bán.

Đào Duy Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần (tương đương giá 34 triệu đồng/m2 đất tại Dự án Nam Đàn Plaza) và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý.

Sau đó, Lê Hòa Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của CTCPP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2). Tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng, Đào Duy Phong 8 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng. Tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng.

Sau bản án sơ thẩm, 6 bị cáo đã gửi đơn kháng án. Tuy nhiên, trước khi tòa xử phúc thẩm, Trịnh Xuân Thanh đã rút kháng cáo.

Theo đơn gửi TAND Cấp cao, em trai ông Đinh La Thăng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh Tham ô để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt.

3 người còn lại gồm Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đều xin giảm nhẹ hình phạt và hạ mức bồi thường dân sự.

Trước việc Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, trao đổi với phóng viên các luật sư được hỏi đều cho rằng việc các bị cáo trên rút đơn kháng cáo không ảnh hưởng gì đến việc xét xử. Khi Thanh rút đơn kháng cáo thì có nghĩa là bị cáo này chấp nhận hình phạt, cáo buộc mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Luật sư khi được hỏi cũng nhận định việc bị cáo Đinh Mạnh Thắng em trai ông Đinh La Thăng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh để giảm nhẹ hình phạt là khó được chấp nhận bởi chứng cứ buộc tội vụ án này khá chắc chắn.

Nguồn: Hà Châu/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo