Vụ án

Đinh La Thăng khai ‘thủ tướng cho phép PVN chỉ định thầu’ và xin tại ngoại

Cập nhật lúc 17-01-2018 04:06:08 (GMT+1)
Ông Đinh La Thăng tại tòa. (Hình: Tuổi Trẻ)

 

Sáng 16 Tháng Giêng, ông Đinh La Thăng đã tranh luận với các luận điểm buộc tội của đại diện Viện Kiểm Sát tại tòa. Ông cho biết “thủ tướng đồng ý cho Hội Đồng Thành Viên PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện dự án” và kiến nghị cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông được tại ngoại.


Theo báo Thanh Niên, với cáo buộc chỉ định thầu cho Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), ông Thăng cho rằng: “Thực tế, tại thời điểm đó không có đơn vị nào đủ điều kiện. Ngay cả Lilama là đơn vị đầu tiên được chỉ định thầu Dự Án Nhà Máy Nhiệt Điện Vũng Áng 1 và đang thực hiện chứ chưa xong. Điều đó chứng tỏ, nếu như chỉ định thầu cho Lilama thì Lilama cũng chưa đủ kinh nghiệm.”

Tại phiên tòa diễn ra chiều cùng ngày, theo báo Tuổi Trẻ, trình bày với Hội Đồng Xét Xử, ông Thăng “kiến nghị hội đồng xét xử và Viện Kiểm Sát thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông, cho ông được tại ngoại.”

Cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PVN bị xét xử về tội cố ý làm trái cho rằng “bản thân ông cũng như các bị cáo khác không gây nguy hiểm cho xã hội, không cần thiết phải bị tạm giam,” báo Tuổi Trẻ tường thuật.

Nói với nhật báo Người Việt, Luật Sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc Công Ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết: “Luật đấu thầu năm 2005 cho phép thủ tướng được phép chỉ định thầu thuộc dự án bí mật quốc gia, dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an toàn an ninh năng lượng. Do đó, ông Thăng cho rằng việc chỉ định thầu đã có từ năm 2006, lúc ông chưa về PVN.”

“Thủ tướng thời điểm đó đã đồng ý cho PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện dự án là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh pháp lý lúc bấy giờ. Tuy nhiên, việc đồng ý cho chỉ định thầu và việc triển khai việc chỉ định thầu đó có đúng luật hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác. Và trách nhiệm pháp lý đặt ra trong vụ án này nằm ở khâu lựa chọn đơn vị để chỉ định thầu chứ không phải hành vi chấp nhận chủ trương chỉ định thầu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.”

“Nếu ông Dũng chỉ đồng ý về mặt nguyên tắc và yêu cầu việc chỉ định thầu này phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì chắc chắn không thể quy trách nhiệm cho ông Dũng được vì thủ tướng đang thực hiện quyền mà luật đấu thầu cho phép. Do đó, không thể xác định ông Dũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, trừ khi có bằng chứng rõ ràng rằng ông Dũng đã được báo cáo những đơn vị được chỉ định thầu không đáp ứng các điều kiện luật định mà vẫn quyết định phương án chỉ định thầu.”

Đề cập về việc ông Thăng xin tại ngoại, Luật Sư Sơn nói: “Theo quy định thì biện pháp ngăn chặn được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án. Trong trường hợp này đã kết thúc điều tra nên khả năng gây khó khăn cho việc điều tra là không có, ông Thăng có nơi cư trú rõ ràng nên về mặt pháp lý ông này hoàn toàn có thể được tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.”

“Tuy nhiên, theo tôi khả năng ông Thăng được tại ngoại trên thực tế là không cao. Vì nếu các cơ quan tiến hành tố tụng muốn cho ông Thăng tại ngoại thì từ đầu họ đã không bắt tạm giam ông. Bởi lẽ những việc làm của ông Thăng đều được thể hiện trên giấy trắng mực đen. Trước khi khởi tố ông Thăng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã nắm hết rồi chứ không phải đợi đến khi khởi tố vụ án,” ông nói.

Cùng ngày, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, một trong những người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, viết trên trang Facebook cá nhân: “Như tôi đã đưa ra chứng cứ lập luận đối đáp với đại diện Viện Kiểm Sát. Mấu chốt vụ án là Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) mới có hành vi ‘Cố ý làm trái…’ còn các bị cáo ở đây đều vô tội hết.”

“PV Power lập, soạn, ký hợp đồng  khi chưa có phê duyệt của Hội Đồng Quản Trị, chủ động làm công văn xin PVN ứng tiền cho nhà thầu khi hợp đồng chưa đủ thủ tục phê duyệt có hiệu lực. Ông Đinh La Thăng đã bút phê vào tờ trình xin ứng vốn Nhà Máy Điện Thái Bình 2 vào ngày 5 Tháng Ba, 2011, là ‘PVN không phải là thủ quỹ của PV Power,’” ông viết.

“Bút phê này thể hiện rõ vai trò của ông Thăng đối với chỉ đạo xin ứng vốn của PV Power là không đồng ý cho PV Power ứng vốn khi chưa xong thủ tục dự án. PV Power đang ung dung vô can ngoài vòng pháp luật do chính hành vi sai trái của mình gây ra cho các bị cáo trong vụ án này. Thật thất vọng. Viện Kiểm Sát đã bảo lưu quan điểm và chuyển cho Hội Đồng Xét Xử xem xét, quyết định những nội dung mà luật sư đề nghị tranh luận,” ông Quynh viết trên Facebook. 

Nguồn: T.K./Người Việt

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo