Vụ án

Vụ án Ba Sàm – Kỳ 2: ‘Chúng ta có quyền yêu cầu nhà nước phải làm đúng’

Cập nhật lúc 27-03-2017 01:32:08 (GMT+1)
Bà Lê Thị Minh Hà (phải) và bà Thuyên (mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thuý đầu xuân 2017). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.

 

“Tôi đã phải tìm hiểu tất cả mọi thứ từ đầu. Từ việc tự đọc trên mạng để biết ông Vinh làm gì, người ta nghĩ về ông ấy như thế nào, đến việc nghiên cứu về các luật sư và tìm cách tiếp cận rồi mời họ. Chẳng có ai bảo tôi, hướng dẫn tôi phải làm gì cả, chỉ có một cách là phải đọc, phải suy nghĩ, rồi tự hình thành hướng đi” – bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông chủ trang “Thông tấn xã vỉa hè” Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger, người tù nổi tiếng Ba Sàm), thổ lộ, cũng như dành lời khuyên cho những người có hoàn cảnh tương tự bà.


>Vụ án Ba Sàm – Kỳ 1: Cuộc chạm trán của những người bạn cũ

Một trong những điều bà Hà muốn biết ngay lập tức là tình trạng giam giữ ông Vinh. Tuy nhiên cũng phải đến buổi tối ngày thứ 8, tức là trước khi ông Vinh bị chuyển từ tạm giữ sang tạm giam, bà mới “được” công an báo “ngày mai chị gửi đồ cho anh ấy”.

Chỉ trong vài tiếng của buổi sáng hôm sau, bà phải chạy hộc tốc đi mua hơn 50 ký đồ để tiếp tế cho chồng.

“Thì mình đâu biết họ quy định thế nào đâu, cứ mua thật nhiều thôi, nghĩ là để cho ông ấy ăn dần. Bao nhiêu là đồ hộp, thạch, dưa chuột muối… Lại gửi thêm cả cuốn từ điển to đùng nữa. Lỉnh kỉnh hết túi này tới túi nọ. Mang vào B14, họ cứ cằn nhằn: Sao mua nhiều thế này? Khổ, lúc ấy mới được lập sổ thăm gặp cho các lần tiếp tế sau. Về sau tôi cũng biết là họ chẳng chuyển hết cho ông Vinh đâu, họ ở giữa giữ lại chứ”.

Rồi bà Hà bắt đầu tính chuyện thuê luật sư cho chồng. Điều đáng chú ý là trước khi bà kịp mời ai, đã có một luật sư tự nhận là người bảo vệ ông Nguyễn Hữu Vinh. Vị này gặp bà Hà và kể: “Anh ấy (ông Vinh) khai dại lắm chị ạ, sơ hở lắm, nhiều lúc toát cả mồ hôi, tôi phải khuyên anh ấy đi rửa mặt cho tỉnh”.

Bà Hà không kìm được sự khó chịu khi nghe nhận xét về chồng mình như vậy. Sau đó, bà lại biết thêm rằng vị luật sư nọ được dùng điện thoại (nghe và gọi) trong phòng hỏi cung, ngay trước mặt cán bộ điều tra.

“Vậy là mình hiểu. Như thế chứng tỏ công an biết nhân vật này và cho anh ta vào để dễ bề định hướng ông Vinh mà thôi”. Một cách sử dụng “quân xanh quân đỏ” cũng khá đặc thù trong ngành công an.

Bà Hà từ chối vị luật sư đó và đi tìm người khác.

Cần luật sư có gốc công an

Trái ngược với suy nghĩ ban đầu của bà Hà, đã nhiều người từ chối bà. Có những ý kiến như “chẳng hiểu vụ này thuê luật sư để làm gì, đây là án chính trị, án bỏ túi, án chỉ đạo”.

Thậm chí có người còn lo ngại “tham gia cãi cho ông Vinh rồi công an nó cho vào tầm ngắm thì chẳng còn làm ăn gì được”. Bà Hà nhớ lại thời gian đó và nói thẳng rằng bà “rất buồn và thất vọng”.

Tuy nhiên, cuối cùng bà vẫn tìm được luật sư. Đội ngũ bào chữa cho Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy có thể nói là hùng hậu, với sự tham gia của 6 luật sư (Trần Quốc Thuận, Trần Văn Tạo, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, và Hà Huy Sơn). Trong đó, ba ông Trần Quốc Thuận, Trần Văn Tạo và Trần Đình Triển có điểm chung là đều có gốc an ninh, người từng trong ngành an ninh, hoặc từng làm việc rất sâu trong bộ máy nhà nước.

“Việc đầu tiên tôi đề ra là phải có luật sư từ ngành công an mà ra, tức là có học qua Học viện Cảnh sát hoặc Học viện An ninh, hoặc đã đi làm công an rồi mới làm luật sư. Họ cùng với các luật sư khác phối hợp thì mới làm được vụ này”, bà Hà nói.

(Thật tiếc, suy tính của bà Hà – một cựu sĩ quan an ninh – càng đúng bao nhiêu thì càng chứng tỏ nền tư pháp Việt Nam chịu sự khống chế của công an nặng nề bấy nhiêu.)

Luật sư Trần Quốc Thuận (trái) và bà Lê Thị Minh Hà sau phiên toà sơ thẩm vụ án Ba Sàm, ngày 23/3/2016. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Có luật sư rồi, mới đến công việc quan trọng nhất là làm sao để có thông tin về thân chủ.

Bà Hà và các luật sư bàn tính với nhau và cố gắng sắp xếp để cứ khoảng 2-3 tuần, lại có luật sư vào trại giam gặp ông Vinh để trao đổi, cập nhật thông tin giữa hai bên. Điều này phải được làm một cách cực kỳ khôn khéo, bởi mọi cuộc thăm gặp của luật sư với ông Vinh cũng như Minh Thúy đều bị công an, quản giáo theo dõi rất chặt chẽ.

Trong luật quốc tế, bị cáo có quyền có phương tiện hỗ trợ thỏa đáng để chuẩn bị cho việc bào chữa, được tạo điều kiện trao đổi, tham vấn luật sư, cũng như được luật sư đến thăm, mà không bị can thiệp, không bị kiểm duyệt, và được giữ kín tuyệt đối.

Theo nguyên tắc 18(4) của Tập hợp Các Nguyên tắc Bảo vệ Tất cả Mọi Người Khỏi Tất cả Các Hình thức Giam giữ và Cầm tù, trao đổi giữa người bị bắt và luật sư có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không phải trong tầm nghe của cơ quan hành pháp (tức là công an và điều tra viên). Tuy nhiên, đó là luật quốc tế, còn ở Việt Nam thì quyền của bị cáo là một cái gì đó khá xa xỉ.

Vì thế, có thể hình dung các luật sư và ông Nguyễn Hữu Vinh đã phải biết cách trò chuyện và hiểu nhau đến như thế nào.

Giám sát tiến trình tố tụng, sẵn sàng lên tiếng

Một điều mà bà Lê Thị Minh Hà hết sức khuyến cáo thân nhân của những người tù làm, là giám sát chặt chẽ quy trình và thủ tục tố tụng, sẵn sàng chỉ ra các sai phạm, và luôn có ý kiến bằng văn bản.

“Mình phải là người giám sát và cung cấp thông tin cho luật sư để họ biết là đã quá thời hạn bao lâu. Không thể coi chuyện quá thời hạn là chuyện đương nhiên được. Phải rất quan tâm đến các loại thời hạn và thủ tục, phải theo dõi sát sao xem hồ sơ đi đâu, đang ở đâu”.

Bà Hà chia sẻ: Trong vụ án Ba Sàm, các thông báo của Viện Kiểm sát hay Tòa đều cụ thể (ví dụ trả hồ sơ để điều tra lại, hoặc hoãn xử); tuy vậy, bao giờ thông báo cũng được gửi đến luật sư rất chậm, còn gia đình thì hầu như không nhận được gì. Điều đó khiến các luật sư rơi vào tình trạng thiếu thông tin – cũng như mọi vụ án khác ở Việt Nam, nơi tư pháp không độc lập và luật sư không được bình đẳng với công tố.

“Như thế là sai. Đáng lẽ họ phải thông báo đầy đủ cho luật sư và gia đình. Để đối phó, là thân nhân thì mình chỉ có hai cách thôi. Một là mình nhờ luật sư theo dõi tiến trình giúp. Trong mọi vụ án chính trị, chúng ta phải có một luật sư giám sát. Hai là mình tự đọc, tự tra cứu, xem thời hạn là khi nào, đến thời hạn ấy thì ai có quyền gì, nghĩa vụ gì. Mình phải nắm vững tất cả những cái đó, phải lập cả sổ để theo dõi”.

Bà Hà còn chia sẻ thêm một “mẹo”: “Khi nào gần tới thời hạn thì ta có thể thể thử, ví dụ bằng cách gửi đơn xin thăm gặp, đơn khiếu nại… gửi đến những nơi mà ta nghi là đang giữ hồ sơ và thông tin. Nếu họ không trả lời thì ta phải đến tận nơi hỏi kết quả. Hầu hết đơn từ của tôi được trả lời theo hai cách: Hoặc là “hồ sơ đang nằm ở cơ quan xyz, do đó, chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết”, hoặc là “đã tiếp nhận hồ sơ vào ngày… tháng… năm…”.

Phải biết quyền của mình!

Ngay cả bản thân người bị bắt cũng phải nắm vững quy trình và hiểu rõ quyền của mình để có thể tự bảo vệ.

Bà Hà khẳng định: “Nếu mỗi một người bị bắt, dù oan dù không oan, mà thấy quyền của mình bị vi phạm, và đều đòi hỏi quyền đó, thì tự khắc cơ quan tố tụng phải giật mình và phải biết rằng bây giờ người ta hiểu cả đấy, mình không thể làm sai được”.

Bà lý giải: “Lâu nay, người bị bắt bị ngược đãi một phần là do chính họ. Người Việt Nam vốn không quen đòi hỏi quyền của mình – quyền yêu cầu nhà nước phải làm đúng. Như vậy, đương nhiên là bọn làm sai nó lờ đi. Cứ mỗi ngày sai một tí và rồi làm xói mòn cả hệ thống tư pháp”.

“Phải xác định đó là do lỗi của chính chúng ta, của người dân, không của ai khác”, bà Hà nói.

“Nhiệm vụ của chúng ta là phải giám sát xem họ sai chỗ nào, sai đâu là phải nhắc nhở đấy. Nếu họ làm sai quá thì ta tố cáo. Nếu họ làm đúng thì ta cũng có lời khen. Từ đó, chính quyền sẽ tự ý thức được mà không dám làm sai nữa”.

(Còn tiếp)

Nguồn: Luật khoa

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo